LS Hồng Nhung

Vợ có quyền định đoạt tài sản chung của vợ chồng hay không?

Trường hợp tài sản chung của vợ chồng được người còn lại cho người khác mượn thì phải đòi lại như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào bạn! Vợ chồng mình có mua 1 chiếc xe máy, và đứng tên vợ mình. Hiện tại không dùng tới, vợ mình có cho cậu em vợ mượn chiếc xe tuy nhiên không hỏi ý kiến mình. Xe cho mượn đã được khoảng nửa năm, mình đã nhắc nhở vợ nhiều lần là lấy lại xe vì cho mượn lâu không tốt. Vợ mình cứ khăng khăng cãi lại là đó là xe của vợ và mình không liên quan gì hết, vợ mình có quyền cho bất kỳ ai mượn (thậm chí là cho). Mình hoàn toàn không đồng ý vì gia đình cũng không khá giả để mà cho được. Mình cũng đã tìm hiểu luật, mặc dù vợ mình cũng có lương, cũng tạo ra được thu nhập cho gia đình, tuy nhiên tài sản trong thời kỳ hôn nhân đó là tài sản chung. Và qua cách cư xử của gia đình vợ mình hiểu một điều, họ đang xúi con họ để lấy tài sản của vợ chồng mình đem cho cậu (Đã nhiều lần mình bị qua mặt theo kiểu này). 

Vậy thì, theo bạn mình cần phải làm gì, gặp cơ quan chức năng nào để can thiệp lấy lại chiếc xe, mình đã nhắc rất nhiều lần nhưng không chịu trả nên mình mới phải nhờ can thiệp. Từ khi cho mượn xe, và ý đồ gia đình vợ muốn chiếm hữu (nhiều thứ) thì vợ chồng mình rất hay mất đoàn kết, cãi vã. Cho nên mình muốn dứt điểm vụ này. 

Bạn cho mình lời khuyên nhé.Chân thành cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo những gì anh đã trình bày trên đây, có thể xác định đây là Tài sản chung của vợ chồng bạn, và việc vợ anh là người đứng tên trên đăng kí xe máy sẽ được xác định vợ anh là đại diện đứng tên trên giấy đăng kí xe theo Điều 26, Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

 

Và theo Khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.”

 

Nếu trước đây vợ chồng anh chị đã thỏa thuận về việc vợ anh đứng tên chiếc xe có quyền sử dụng, định đoạt mà không cần sự đồng ý của anh thì việc vợ anh tự mình quyết định cho em trai mượn xe là giao dịch hợp pháp. 

 

Nếu không có thỏa thuận thì việc vợ anh cho phép em trai sử dụng chiếc xe máy mà chưa có sự đồng ý của anh được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu và các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.

 

Về mặt pháp luật anh hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản theo Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

 

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”

 

Đồng thời, anh có quyền yêu cầu em trai vợ  bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra theo Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.”

 

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ tình cảm thì đây là vấn đề xảy ra trong nội bộ gia đình; do đó, để đảm bảo quan hệ tình cảm không bị rạn nứt thì anh có thể tự thỏa thuận với em vợ để yêu cầu trả lại tài sản; nếu không giải quyết được mâu thuẫn, anh có thể yêu cầu UBND xã tổ chức hòa giải. Còn đối với phương án khởi kiện ra Tòa án để đòi lại tài sản hoàn toàn có thể thực hiện được; tuy nhiên, anh cần phải cân nhắc kỹ, bởi lẽ nếu đã đưa tranh chấp ra Tòa án để giải quyết thì sẽ gây ra những rạn nứt không đáng có trong gia đình.

 

Nếu khởi kiện ra Tòa án thì đây được xác định là tranh chấp dân sự theo Khoản 14 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; và đơn khởi kiện của bạn sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi em trai vợ bạn cư trú (theo Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo