Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Viết di chúc cho em gái tài sản các con có quyền khởi kiện?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân đối với việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Hiện nay rất nhiều người lập di chúc lựa chọn không để lại tài sản cho con của mình với nhiều lý do khác nhau như mong muốn con cái tự lập, tự lo cho bản thân...Vậy, nếu người có tài sản không để lại tài sản cho con thì con có quyền khởi kiện không?

Xin chào công ty luật Minh Gia! Tôi có một câu hỏi liên quan đến di chúc và di sản thừa kế mong tư vấn giúp tôi như sau:

Câu 1: Bố tôi mất đi và trước khi mất có lập 1 bản di chúc lại toàn bộ tài sản cho em gái của bố tôi thì chị em tôi có quyền kiện lại không?  Câu 2: Bố tôi có làm di chúc toàn bộ đất đai, nhà cửa cho anh em của bố tôi còn mẹ tôi là vợ hợp pháp nhưng không được hưởng 1 tí tài sản gì thì chị em tôi có quyền khởi kiện không? Trân trọng cảm ơn giải đáp của quý công ty luật Minh Gia.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 về quyền thừa kế như sau:“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.” Như vậy, bố bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết.

Điều 610 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân như sau:

“Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

 Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của người lập di chúc như sau:

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Như vậy người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế di sản của mình. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Từ những căn cứ pháp lý trên, chúng tôi giải quyết vấn đề của bạn như sau:

Câu hỏi 1: Nếu di chúc của bố bạn hợp pháp và chị em bạn thuộc trường hợp con chưa thành niên hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động, thì sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào việc di chúc có cho hưởng hay không. Trường hợp này người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc có quyền khởi kiện để hưởng di sản.

Câu hỏi 2: Trong di chúc bố bạn không để lại di sản thừa kế cho mẹ bạn nhưng do mẹ bạn là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nên mẹ bạn vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật, sau khi đã xác định được phần thừa kế của mẹ bạn thì phần di sản còn lại sẽ được định đoạt theo di chúc.

Việc lập di chúc là quyền tự định đoạt của người có tài sản, nó hoàn toàn là ý chí của họ mà người khác không thể can thiệp. Do vậy, mẹ và chị em bạn không thể khởi kiện về việc lập di chúc của bố bạn. Tuy nhiên, mẹ và chị em bạn có thể khởi kiện để được hưởng di sản thừa kế nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo