Lại Thị Nhật Lệ

Vi phạm quy định về an toàn lưới điện xử lý thế nào?

Tôi là Lái xe cho một doanh nghiệp tư nhân, trong một lần nâng ben đổ đất không để ý tôi có nâng ben cao cách đây điện cao thế khoảng chừng 1 mét và bị điện phóng xuống xe ô tô dẫn đến xe của tôi bị nổ một lốp trước và trạm biến áp nhảy aptomat mất điện cả một xã trong khoảng gần 1h (không gây thiết hại gì về người và tài sản).

 

Sau đó có một anh nhân viên bên điện lực xuống lập biên bản sự việc sự cố gây trục chặc mất điện và giữ Giấy Phép lái xe của tôi. Từ đó đến nay đã rất nhiều lần tôi đến xin và đề nghị trả lại giấy phép Lái xe nhưng họ không trả lại và bắt tôi phải bồi thường sự cố làm mất điện 1 giờ đó.

 

Xin luật Minh Gia tư vấn giúp trường hợp trên tôi có vi phạm không, nếu vi phạm thì tôi vi phạm luật giao thông hay luật điện lực và vi phạm như vậy mức xử lý sẽ như thế nào. Cám ơn Luật Gia Minh!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:


Căn cứ theo Điều 55 luật điện lực sửa đổi năm 2012 quy định về an toàn trong truyền tải điện, phân phối điện:

 

1. Chủ công trình lưới điện phải chịu trách nhiệm:

 

a) Đặt biển báo an toàn về điện tại các trạm điện, cột điện;

 

b) Sơn màu và đặt đèn tín hiệu trên đỉnh cột tại các cột có độ cao và vị trí đặc biệt để bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

 

2. Ở các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện cao áp trên không, đường cáp điện ngầm với đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, việc đặt và quản lý biển báo, biển cấm vượt qua đối với phương tiện vận tải được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Chủ đầu tư công trình xây dựng sau phải chịu chi phí cho việc đặt biển báo, biển cấm.

 

Và căn cứ theo nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện quy định:

 

Khi xây dựng, cải tạo, mở rộng nhà ở, công trình công cộng (giao thông, viễn thông) và các công trình khác; khi vận hành xe cẩu, thiết bị nâng; lắp đặt biển báo, biển quảng cáo, hộp đèn trang trí, ăngten tivi gần hoặc trong hành lang an toàn lưới điện cao áp thì chủ sở hữu các công trình, máy móc, thiết bị đó phải liên hệ với ngành điện để được hướng dẫn các biện pháp an toàn, đề phòng tai nạn xảy ra do phóng điện.

 

Như vậy để xác định hành vi của anh có vi phạm luật điện lực hay không phải xác định:

 

Dây điện cao thế lắp theo đúng quy định và có các biển cảnh báo tại trạm điện, cột điện, vị trí đặc biệt để bảo vệ lưới điện cao thế hay không. Anh điều khiển xe, thiết bị nâng có tuân thủ các quy định về an toàn lưới điện nơi có điện cao áp hay không.

 

Nếu dây điện cao thế lắp theo đúng quy định về an toàn lưới điện và anh tự ý vận hành xe, thiết bị nâng mà không liên hệ với ngành điện để đề đảm bảo an toàn, đề phòng tai nạn xảy ra do phóng điện và chiều cao của xe nâng vượt quá mức cho phép, khi nâng ben đổ đất anh không tuân thủ biển báo, quy chuẩn đảm bảo an toàn. Trong trường hợp này, anh đã vi phạm quy định về hành lang an toàn lưới điện cao áp. 


Theo nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả quy định:

 

Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu nếu thực hiện các hành vi:

 

- Đào hố, đóng cọc vào trong hành lang lưới điện cáp ngầm

 

- Điều khiển các thiết bị, phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố

 

- Tháo gỡ các thiết bị điện; tung ném bất cứ vật gì gây hư hỏng lưới điện

 

- Sử dụng điện để bẫy động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trái quy định pháp luật

 

Như vậy, anh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do hành vi điều khiển các thiết bị, phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố. Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, xử phạt bổ sung các tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường những hư hỏng, thiệt hại cho nghành điện do các hành vi đó gây nên.

 

Căn cứ theo Mục 1 thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực điện lực nghị định 134/2013/NĐ- CP ngày 17/10/2013 thì  thẩm quyền xử đối với hành vi vi phạm các quy định về hành lang an toàn điện lưới điện cao áp thuộc chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, thủ trưởng cơ quan điều tiết điện lực … Theo đó, nhân viên điện lực không có thẩm quyền xử phạt và giữ giấy tờ xe của anh.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Vi phạm quy định về an toàn lưới điện xử lý thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv: Vũ Nga – Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo