LS Hồng Nhung

Về việc đưa tiền để chạy việc thông qua giấy vay nợ

Vợ chồng chúng tôi (A) có nhờ một người chạy việc (B), qua người thứ 3 (C). Hôm gặp mặt, chúng tôi (A) gặp B trước và đưa cho B 150 triệu, (B có viết và kí vào giấy ghi nợ chúng tôi trong thời hạn 1 tháng); sau đó 10 phút thì C đến, B có đưa số tiền đó cho C ngay trước mặt chúng tôi và C đã cầm cất vào xe của C, sau đó chúng tôi về, còn B và C đi chơi với nhau.

 

Hỏi: Nhưng sau đó mấy ngày C tìm gặp lại chúng tôi (A), nói là B đã lấy lại số tiền đó khi họ đi chơi cùng nhau, và khuyên chúng tôi nên dừng chuyện xin việc và yêu cầu B đưa tiền lại và nói rằng B đang lừa cả chúng tôi và C. Chúng tôi đã gặp B, và yêu cầu đưa tiền lại (vì chúng tôi chỉ làm việc với B, và có giấy ghi vay nợ có chữ kí của B). Nhưng B yêu cầu 3 bên gặp mặt lại, để hỏi C đã đưa lại tiền cho B khi nào? Ai làm chứng? Vậy tôi xin hỏi:

 

1. Nếu chúng tôi kiện ra toà thì vẫn ghi bị đơn là B đúng chứ ạ?

 

2. Mục đích của B khi gặp mặt lại, và yêu cầu chúng tôi làm chứng là B đã đưa tiền cho C, là gì? Đưa tiền có người chứng kiến là chúng tôi có được pháp luật chấp nhận ko?

 

3. Chúng tôi nên làm gì khi 3 bên gặp mặt nhau và tranh luận (chúng tôi định nói như thế này: hôm đó chúng tôi có đưa cho B, 150 triệu và có viết giấy vay nợ, khi 3 bên gặp nhau thì B chuyển cho C và chúng tôi có thấy như thế. Sau đó chúng tôi không biết gì thêm).

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn đến Công ty luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” 

 

Trong trường hợp của bạn, giấy ghi nợ được kí kết giữa bên A và bên B, theo đó bên B là bên vay 150 triệu của bên bạn. Vì vậy, sau kì hạn 1 tháng bên B có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đó cho bên bạn và tiền lãi nếu hai bên có thỏa thuận theo quy định tại Khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

 

Do đó, khi khởi kiện ra Tòa án, bên bị đơn sẽ là B do đây là hợp đồng vay tài sản giữa bên bạn và B, trừ trường hợp trong hợp đồng có điều khoản về một chủ thể khác ngoài B (như C). Việc B sau đó sử dụng số tiền được vay như thế nào không thuộc vấn đề hợp đồng điều chỉnh.

 

Thứ hai, việc B yêu cầu bên bạn làm chứng về việc đã đưa tiền cho C vào thời điểm sau 10 phút nhận tiền từ phía bên bạn không làm ảnh hưởng đến hợp đồng vay tài sản giữa bên bạn và B. Bên bạn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý làm chứng về việc đưa tiền này. Và việc đưa tiền này cũng không thể hiện điều gì, vì có thể C đã đưa lại số tiền đó cho B hoặc thời điểm đó B đưa tiền cho C cầm nhờ. Tóm lại, việc làm chứng này phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của bên bạn, đồng ý hay không để làm chứng. Việc này không ảnh hưởng đến việc B phải trả tiền đúng hạn cho bên bạn như trong hợp đồng đã giao kết.

 

Thứ ba, như đã nêu phía trên, bên bạn có quyền lựa chọn làm chứng hay không làm chứng. Còn việc đưa tiền hay không giữa B và C thuộc về thỏa thuận giữa hai bên. Bạn chỉ là người làm chứng, giả sử có hợp đồng vay tài sản nào đó nữa giữa B và C thì hợp đồng đó cũng không làm ảnh hưởng đến hợp đồng vay tài sản giữa bên bạn và B.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Về việc đưa tiền để chạy việc thông qua giấy vay nợ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Quách Vũ Ngọc Hà - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo