LS Vũ Thảo

Vay tiền không trả có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Trường hợp cho vay tiền mà bên vay không trả thì có cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Nếu không có hợp đồng vay thì những đoạn tin nhắn có được coi là bằng chứng hay không? Hành vi công khai những đoạn tin nhắn này có phải là hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hay không?

 1. Luật sư tư vấn về hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là một trong những giao dịch dân sự phổ biến ngày nay. Mặc dù pháp luật đã có những quy định về hợp đồng cho vay tài sản nhưng việc cho vay tài sản không có giấy nợ, biên bản vẫn là hình thức được các bên đương sự thường xuyên sử dụng vì lý do đó là người quen hay do số tài sản cho vay không quá lớn dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mặt khác, mạng xã hội và công nghệ thông tin hiện nay phát triển nhanh chóng, pháp luật cũng đã có những quy định mới về xác định chứng cứ dữ liệu điện tử, bạn cần tìm hiểu những quy định pháp luật này để vừa có thể đảm bảo quyền lợi ích của mình vừa đảm bảo không xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác. Trong trường hợp không có thời gian tìm hiểu hoặc không nắm rõ các quy định của pháp luật, bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia bằng hình thức gửi câu hỏi qua email hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nội dung mà Luật Minh Gia phân tích dưới đây về việc vay tiền không trả có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

2. Vay tiền không trả có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Câu hỏi: Kính chào các luật sư của Luật Minh Gia. Em xin trình bày trường hợp của em như sau, em có cho một người bạn (A) vay số tiền là hai triệu năm trăm ngàn đồng nhưng bạn ấy không trả và đã chặn mạng xã hội cũng như số điện thoại của em. Số tiền này tuy không được xác nhận bằng biên bản hay giấy nợ nhưng em có những đoạn tin nhắn qua mạng xã hội và điện thoại cùng những tin nhắn thể hiện thái độ lật lọng, phủ nhận việc vay tiền em thì đây có được coi là bằng chứng về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không ạ? Và nếu em công khai các tin nhắn này lên mạng xã hội (chỉ công khai tin nhắn, không bình luận hay để lại lời bình gì hết) thì có bị cấu thành tội bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác hay không ạ? Em rất mong sớm nhận được tin nhắn phản hồi từ phía văn phòng luật sư, xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hợp đồng vay tài sản:

Theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản như sau:

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

Và Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên vay tài sản:

"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý..."

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có cho A vay số tiền là 2.500.000 đồng thì A có nghĩa vụ phải trả đủ số tiền này khi đến hạn theo thoả thuận của các bên. Trường hợp đến thời hạn thanh toán, bạn đã yêu cầu mà A không trả cho bạn số tiền này thì bạn có quyền khởi kiện ra Toà án nhân dân quận (huyện) nơi A cư trú để yêu cầu A thanh toán cho bạn số tiền đã vay.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự:

Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại....”

Theo đó, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật hình sự quy định người phạm tội phải có hành vi dùng những thủ đoạn gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, với thông tin bạn cung cấp thì chưa thể hiện rõ thời điểm A vay tiền bạn có dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đọat số tiền 2.500.000 hay không. Trường hợp nếu A có ý định, mục đích ngay từ ban đầu là chiếm đoạt số tiền này của bạn bằng thủ đoạn gian dối thì hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Như vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an xã, phường nơi bạn cư trú. 

- Về việc xác định nội dung tin nhắn có phải là chứng cứ:

Về chứng cứ, pháp luật hình sự hiện hành cũng đã quy định dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ. Cụ thể Điều 87, Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

“Điều 87. Nguồn chứng cứ

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a) Vật chứng;

b) Lời khai. Lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;  

...

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.”

“ Điều 99. Dữ liệu điện tử

1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Tuy nhiên về phương pháp thu thập và đánh giá loại chứng cứ này mới dừng lại ở những quy định chung mà chưa có quy định riêng chi tiết, vậy nên nhìn chung các dữ liệu điện tử sẽ được coi là chứng cứ nếu đảm bảo các thuộc tính chung như: tính khách quan, tính hợp pháp và tính liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng.

Theo đó, những đoạn tin nhắn qua điện thoại hoặc các trang mạng xã hội khác mà bạn hiện đang giữ có thể được coi là một nguồn chứng cứ. Những đoạn tin nhắn này sẽ trở thành chứng cứ nếu chúng đảm bảo nội dung mà chúng phản ánh là những gì có thật, phản ánh trung thực những tình tiết của vụ việc đã xảy ra, không bị xuyên tạc, bóp méo hay suy đoán, tưởng tượng theo ý chí chủ quan. Đồng thời, nội dung những đoạn tin nhắn này phải có mối liên hệ trực tiếp, xác định có tồn tại sự kiện vay-cho vay tài sản đã được tiến hành và có những hành vi cố tình trốn tránh trả nợ sau đó. Đảm bảo những nội dung này thì những đoạn tin nhắn bạn đang giữ có thể là nguồn chứng cứ và sẽ trở thành chứng cứ hợp pháp nếu được cơ quan có thẩm quyền thu thập và đưa ra đánh giá là có giá trị chứng minh khi bạn khởi tố.

Thứ ba, quy định về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác:  

Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

…”

Và Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội vu khống:

“Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền..."

Như vậy, pháp luật quy định hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp hành vi tung tin, bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hay gây thiệt đến quyền, lợi ích của người khác thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống. Theo đó, nếu bạn muốn công khai những đoạn tin nhắn trên mạng xã hội thì cần phải lưu ý những đoạn tin nhắc được công khai hoàn toàn là sự thật, không có bất kỳ can thiệp chỉnh sửa nào. Đồng thời, mục đích công khai những đoạn tin nhắn là yêu cầu người bạn đó trả nợ mà không có kèm theo thêm bất kỳ lời bình luận nào mang tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm và không xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình người đó theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo