Hoàng Tuấn Anh

Vay tiền chưa trả có được lấy tài sản để trừ nợ

Luật sư tư vấn về vấn đề vay tiền chưa trả có được lấy đất để trừ số tiền vay.

Nội dung câu hỏi: ông ngoại em tham gia chiến tranh và đã hy sinh, lúc mất ông ngoại có để lại năm công đất cho Cậu và Mẹ em. Cậu và Mẹ em lúc đó sống cùng bác (anh của ông ngoại em). Khi trưởng thành Cậu lên Sài Gòn học và làm việc ở Hà Nội, Mẹ em thì lấy chồng trên Sài Gòn. Thời gian trôi qua  năm công đất đó vẫn để người bác giữ đến nay. Lúc em khoảng 6-7 tuổi thì Mẹ em có về bác mượn chín chỉ  vàng nhưng bác tính lãi thành một cây vàng, Dạo gần đây mẹ em khó khăn có về quê mong lấy lại phần đất của mình thì người bác bảo mẹ em không còn đất nữa vì trước đây mượn vàng cấn trừ hết rồi. Hai bên tranh cãi và có nhờ những người lớn trong họ hàng đứng ra, thì người bác này mắng chửi mẹ em và không chịu trả phần đất của mẹ em lại. Khi vay vàng có người bạn của ba em làm chứng là mẹ em vay chưa tới hai cây vàng nhưng người bác phũ nhận người làm chứng. Một công đất thời điểm mẹ em vay vàng của bác bán được bốn cây vàng, nhưng người bác này ép và nói mẹ em vay hai cây vàng và cấn trừ hết và không trả phần đất nào cho mẹ em hết. Xin nhờ Anh/Chị Luật Minh Gia tư vấn giúp em làm cách nào để mẹ em có thể lấy lại hai công đất đó. Trường hợp này nếu tranh chấp ra tòa thì có còn hiệu lực để xử lý không ? Nếu những công đất đó người bác đã sang tên cho con mình thì mẹ em có còn lấy lại được không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, vấn đề quyền sử dụng đất:

 

Trường hợp của bạn, ông bạn mất có di chúc và di chúc được công nhận hợp pháp thì phần tài sản do ông bạn để lại sẽ được chia theo di chúc. Nếu trong di chúc, mảnh đất có sổ đỏ đứng tên ông bạn được chia cho mẹ bạn thì việc sang tên sổ đỏ cho mẹ bạn và cậu bạn sau khi họ làm thủ tục khai nhận di sản. Sau khi thực hiện xong thủ tục, thực hiện việc sang tên thì quyền sử dụng mảnh đất thuộc quyền của mẹ và cậu.

 

Trường hợp ông mất không có di chúc thì tài sản của ông được coi là di sản thừa kế và chia theo hàng thứ kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Khi đó tất cả những người còn sống thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được chia phần bằng nhau từ di sản thừa kế của người ông. Mẹ bạn cũng được chia một phần. Do đó mẹ bạn có quyền thỏa thuận với những người thừa kế còn lại để khai nhận phần di sản thừa kế mà mình được hưởng.

 

Thứ hai, vấn đề vay tiền:

 

Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là một hợp đồng dân sự, là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

 

Điều 470 Bộ luật dân sự 2015 quy định Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn

 

“1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

 

2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

 

Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý”.

 

Như vậy có thể thấy trường hợp trên, mẹ bạn đã vay tài sản có thỏa thuận về lãi đối với người bác. Về thời hạn dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên. Do đó, về nguyên tắc thì mẹ bạn phải trả cho bên cho vay đúng thời hạn và số lượng theo thỏa thuận giữa hai bên. Ngoài ra, việc có người làm chứng khi mẹ bạn vay tiền cũng là căn cứ cho việc xác định số tiền vay giữa 2 bên.

 

Do 2 bên đã thực hiên hợp đồng vay tài sản, nếu mẹ bạn không trả tiền vay đúng thời hạn, người bác có quyền khởi kiện tới Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền, có quyền yêu cầu Tòa án thanh lý tài sản của bạn là quyền sử dụng đất bạn đang có để thu hồi nợ.

 

Tuy nhiên trong trường hợp này, vẫn chưa xác định mẹ bạn có khả năng trả nợ được hay không, người bác đã tự ý sử dụng mảnh đất như vậy là trái với quy định của pháp luật. Việc lấy tài sản để trừ khoản tiền vay chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý, thỏa thuận của hai bên. Nếu người bác không trả lại phần đất cho những người thừa kế thì những người này có quyền khởi kiện ra TAND yêu cầu giải quyết.

 

Thứ ba, thời hiệu khởi kiện

 

+ Khởi kiện đòi nợ

 

Theo Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015  quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng được xác định như sau:

 

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

 

Theo quy định này thì thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ lúc bắt đầu tính thời hiệu. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng là từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu phải căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và thời điểm chấm dứt hợp đồng.

 

+ Khởi kiện thừa kế

 

Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định Thời hiệu thừa kế

 

"1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này."

 

Theo quy định, những người chết trước 1990 thì thời điểm mở thừa kế tính từ 01/01/1990 do đó những người thừa kế nếu có căn cứ chứng minh mảnh đất này của người ông ngoại thì có quyền khởi kiện ra TAND yêu cầu chia di sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người bác.

 

Tuy nhiên, nếu việc người bác sang tên cho con là ngay tình thì TAND không hủy giấy chứng nhận cấp cho người con mà yêu cầu người bác phải hoàn lại giá trị mảnh đất cho những hàng thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Phương Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo