Luật gia Nguyễn Nhung

Vấn đề hưởng trợ cấp xã hội khi mắc bệnh tâm thần

Luật sư tư vấn về trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt và người khuyết tật vận động có được hưởng trợ cấp xã hội không?


Nội dung tư vấn:

Chào quý công ty luật Minh Gia!

Tôi có vài câu hỏi muốn nhờ cty giải đáp như sau:

1. Tôi là người mắc bệnh tâm thần phân liệt, đã cưới vợ năm 2014 và có con năm 2015. Vợ tôi là người khuyết tật vận động (liệt), như vậy chúng tôi có được hưởng trợ cấp từ nhà nước không và mức hưởng tối đa cụ thể là bao nhiêu tiền?

2.Nếu xảy ra mâu thuẫn và có dẫn tới tranh chấp ly hôn thì ai sẽ được quyền nhận nuôi con? Con tôi có thuộc diện con gia đình chính sách không?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin tư vấn trường hợp này của bạn như sau:

Thứ nhất, theo quy định Luật Người khuyết tật năm 2010 thì người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tại Điều 44 quy định về trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng như sau:

“1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

b) Người khuyết tật nặng.

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.

4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.”

Thứ hai, về hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

“1. Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được quy định như sau:

a) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

b) Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em;

c) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng;

d) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.”

Để được hưởng trợ cấp xã hội thì bạn phải làm  hồ sơ theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012  gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng được xác định theo quy định tại Điều 4 Thông tư  26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2012 như sau:

1. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương áp dụng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật theo quy định hiện hành.

2. Đối với các địa phương áp dụng mức chuẩn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được xác định như sau:

 

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng

=

Mức chuẩn của tỉnh, thành phố TW

x

Hệ số tương ứng quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP


Trường hợp của bạn để xác định mức hưởng tối đa cụ còn phụ thuộc vào mức độ khuyết tật của hai vợ chồng bạn thuộc loại khuyết tât đặc biệt nặng hay khuyết tật nặng do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

Thứ ba, về quyền nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Việc nuôi con thì trước hết do hai vợ chồng thỏa thuận. Còn nếu 2 vợ chồng anh không thỏa thuận được thì quyền nuôi con sẽ thuộc về vợ anh. Do con anh dưới 36 tháng tuổi.

Về việc con anh có được hưởng gia đình chính sách hay không thì hiện nay pháp luật chỉ quy định ưu đãi đối với gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ chứ chưa có quy định về hưởng ưu đãi đối với gia đình khuyết tật. Do vậy con anh sẽ không được hưởng ưu đãi gia đình chính sách.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Vấn đề hưởng trợ cấp xã hội khi mắc bệnh tâm thần . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

.
C.V Hoàng Thu – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo