Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Vận chuyển hàng nguy hiểm, độc hại có được bồi thường?

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là hình thức trách nhiệm dân sự đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã gây ra thiệt hại, theo đó, bên có hành vi vi phạm phải bù đắp những tổn thất vật chất, tinh thần do mình gây ra. Một bên không thực hiện đầy đủ quy trình để bên kia có thể thực hiện nghĩa vụ an toàn và gây ra thiệt hại sẽ được xác định trách nhiệm dân sự và phải bồi thường.


Nội dung tư vấn: Bố tôi có thuê anh X chuyên chở thuốc trừ sâu bệnh hại lúa từ thành phố về nhà để bán cho bà con nông dân. Do đóng gói không cẩn thận nên trên đường vận chuyển, thuốc trừ sâu bị rò rỉ ra ngoài làm anh lái xe hít phải bị nhiễm độc phải vào bệnh viện cấp cứu (Việc đóng gói là do phía nhà máy thuốc sâu thực hiện). Vậy bố tôi có phải bồi thường cho anh lái xe tài không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, dựa trên câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra nội dung tư vấn như sau: 

Thứ nhất, bố bạn có phải bồi thường cho người lái xe không?

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì giữa bố của bạn và anh X đã phát sinh hợp đồng  vận chuyển, anh X là bên vận chuyển, bố bạn là bên thuê vận chuyển. 

Căn cứ theo Điều 541 Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển như sau:

“1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Tài sản vận chuyển ở đây là thuốc sâu được xác định có tính chất nguy hiểm, độc hại. Việc vận chuyển loại tài sản này bắt buộc bên thuê vận chuyển phải có biện pháp đóng gói, an toàn. Việc thuốc sâu bị rò rỉ ra ngoài thể hiện việc đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo an toàn. Nên bố bạn sẽ phải bồi thường nếu anh X bị nhiễm độc trong quá trình vận chuyển. 

Thứ hai, vấn đề bồi thường được xác định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 351 Bộ Luật Dân sự 2015 về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ như sau: 

“ 1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

…”

Căn cứ theo Điều 360 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Thiệt hại của anh X được xác định bao gồm Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về sức khỏe. Trong đó: 

- Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại vật chất có thể phải bồi thường ở đây có thể bao gồm viện phí, thuốc men, tiền hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó còn là bồi thường về thu nhập bị mất của người lái xe, người chăm sóc điều dưỡng cho người lái xe (nếu có) do người lái xe này trong thời gian phục hồi sức khỏe, không thể đi làm được.

- Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo