Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Va quyệt giao thông phải vào viện có được bồi thường không?

Câu hỏi: Em chào Luật sư công ty Luật Minh Gia. E có câu hỏi nhờ các anh/ chị tư vấn ạ. Người thân em chạy xe lam (Loại xe cấm lưu hành nhưng ở vùng quê chúng em nếu không chạy xe này thì không biết dùng loại xe gì phục vụ bà con). Nhà em bán hàng vật liệu xây dựng. Bố em và 1 chú phụ xe chạy xe lúc 4h50p, trời nhập nhoạng, chưa hẳn sáng.

 

Khi sang đường, đã sang hết làn đường mà ô tô con đi, sang đến làn giữa thì bất ngờ bị 1 ô tô khách giường nằm tông vào. Hậu quả là xe lam bị hất tung, còn người thân em bị bánh xe trước của ô tô cán qua chân trái, đến bánh sau thì do bánh trước của ô tô bị bao xi (hàng chở trên xe hất ra) chặn lại nên ô tô khách không thể chạy tiếp mà dừng lại. Còn chú phụ xe bay ra ngoài nên chỉ bị mất phần tóc ở chỏm đầu (Do ô tô sượt qua đầu). Theo nhận định thì ô tô khách không có dấu hiệu phanh mà chỉ dừng lại khi bị bao xi chặn lại. Xe khách có phụ xe nhưng đi ngủ hết.

Về phần người thân em bị đứt lìa chân trái, xương vỡ vụn nên không có khả năng nối lại. Hiện người thân em đang nằm viện điều trị. Thời gian từ lúc bị tai nạn là 15 ngày rồi nhưng do sức khỏe chưa ổn định nên chưa được xuất viện. Cả ô tô khách và xe lam hiện đang bị công an giao thông tạm giữ. Vậy, Luật sư cho em hỏi với trường hợp của người thân em như thế thì nhà em có được bồi thường không và cách xử lý như thế nào cho đúng? Hiện người thân em đã mất 1 chân (bác sĩ phải phẫu thuật cưa mất 1/3 đùi). Điều này có nghĩa người thân em sẽ không có khả năng lao động như trước nữa. Gia đình em hiện đang rất buồn. Em rất mong Luật sư tư vấn để gia đình em có thể giải quyết ổn thoải với bên nhà xe khách ạ. Em xin chân thành cám ơn. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là: “4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.” Theo đó thì thiệt hại chỉ được bồi thường trên phần thiệt hại mà người bị thiệt hại không có lỗi.

 

Điều 601 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

 

“ 1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

 

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

 

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

 

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

 

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

 

Căn cứ vào quy định trên thì xe khách kia là nguồn nguy hiểm cao độ. Như vậy, nếu không thuộc trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bố bạn hoặc do sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì người lái xe khách phải bồi thường thiệt hại.

 

Trong trường hợp này cần phải xác định yếu tố lỗi, nếu bố bạn hoàn toàn nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn cố ý đâm vào xe khách thì xe khách sẽ không phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu bố bạn lúc lái xe không biết hoặc không thể biết về việc có chiếc xe khách đằng sau thì chủ sở hữu xe khách sẽ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

 

Như vậy, nếu chủ sở hữu xe khách có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho thân nhân của  người điều khiển xe máy thì:

 

Mức bồi thường: trước tiên hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại.

 

Nếu hai bên không thể thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại thì mức bồi thường thiệt hại được xác định dựa trên các quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi có thiệt hại về sức khỏe theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

“ 1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người lái xe lam bị xe khách đâm phải vào viện có được bồi thường?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Vũ Thị Yến – Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo