Mạc Thu Trang

Tư vấn về xe không chính chủ gây tai nạn

Bố em giao lại cho em chiếc xe máy, chạy được thời gian thì em bán chiếc xe này cho N nhưng chỉ làm giấy viết tay sang tên và không có công chứng. Sau đó N lại bán cho ông A, ông A lại bán cho ông P.

 

Ông P là người gây tai nạn chết người ở Thái Nguyên và đã bị công an bắt giữ, sau đó lần theo tên người chủ sỡ hữu xe, công an đã về quê em và mời bố em lên làm việc và ký tên vào một biên bản gì đó mà bố em ko biết, sau đó bố em được cho về. Xin luật sư cho em hỏi là trong trường hợp như vậy thì bố em có phải chịu trách nhiệm bồi thường liên đới hay không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi của mình đến cho công ty Luật Minh Gia. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khi bố bạn giao lại xe cho bạn, theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe thì bố bạn phải làm giấy cho, tặng xe cho bạn và phải có công chứng:

 

“Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.”

 

Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp không đề cập đến thời điểm cho bạn chiếc xe này là thời điểm nào để xác định việc tặng cho đó có hợp pháp hay không.

 

Do bố bạn chưa hoàn thành các thủ tục nêu trên, xe tuy được giao cho bạn và bán qua nhiều người nhưng thực chất xe vẫn đứng tên bố bạn và theo khoản 2 điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì bố bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó cho đến khi hoàn thành các thủ tục đăng ký, sang tên xe.

 

Đây là lí do bố bạn bị mời lên công an để xác minh chủ xe, do chiếc xe đã gây ra tai nạn.

 

Về vấn đề bồi thường, theo quy định tại Khoản 2 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

“2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Theo quy định của pháp luật dân sự thì phương tiện giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp thiệt hại do bản thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trường hợp của bạn đề cập ông P là người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ này gây tai nạn dẫn đến hậu quả thiệt hại cho tính mạng của người khác, như vậy cần xác định tai nạn xảy ra là do lỗi của ông P vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây ra hay do bản thân chiếc xe bị hỏng hay hư hại một bộ phận mà dẫn đến tai nạn để xác định trách nhiệm bồi thường.

 

Ngoài ra, theo quy định trên thì việc chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì chủ sở hữu sẽ không phải bồi thường.

 

Như vậy, trường hợp của bạn, chiếc xe đứng tên của bố bạn đã chuyển giao qua nhiều người sử dụng, do vậy, trách nhiệm bồi thường của bố bạn sẽ không được đặt ra.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về xe không chính chủ gây tai nạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Trần Ngọc Thiện - Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo