Phạm Diệu

Tư vấn về việc xử lí hành vi gây ô nhiễm môi trường

Hỏi: Ở gần nhà em có một lò quay heo. Đằng sau thì nuôi heo và giết mổ heo tại chỗ mặc dù đã có hầm bioga nhưng phân vẫn rò rỉ ra ngoài, đằng trước thì quay heo liên tục suốt ngày đêm lại ở trong khu dân cư đông đúc khói thải ra rất nhiều gây ô nhiễm môi trường tại khu vực em đang sinh sống, mặc dù tổ dân phố nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn phớt lờ. Cho em hỏi lò quay heo có bị sử phạt không? Và pháp luật có cho phép nuôi và giết mổ heo tại nhà không? Nếu không thì cách thưa v kiện thế nào? Ở đâu?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì xả nước thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường và thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường.

 

Về việc giết mổ lợn, khoản 1 Điều 4 Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn như sau:

 

"Điều 4. Yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng

 

1. Địa điểm:

 

a) Theo quy hoạch của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

 

b) Cách biệt với khu dân cư, xa các trang trại chăn nuôi và các nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại, đường quốc lộ).

 

c) Được xây dựng ở nơi có nguồn cung cấp điện và nước ổn định.

 

d) Thuận tiện đường giao thông, cách xa sông suối là nguồn cung cấp nước sinh hoạt".

 

Theo đó, một trong những yêu cầu đối với địa điểm của cơ sở giết mổ lợn là phải cách biệt với khu dân cư, trong khi đó lò mổ lợn ở gần nhà bạn lại nằm trong khu đông dân cư, điều này là vi phạm quy định của pháp luật.

 

Vì việc xả nước thải, khí thải đã gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh nên căn cứ quy định tại Điều 162 Luật bảo vệ môi trường:

 

"1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

 

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

 

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác".

 

Bạn có thể tố cáo về hành vi gây ô nhiễm môi trường trên với cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết. Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 179/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này, do đó bạn có thể gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc xử lí hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Hồ Thu Uyên – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo