LS Trần Liên

Tư vấn về việc thế chấp sổ hồng để vay tiền tại ngân hàng

Ba em, đã vay 650 triệu từ ngân hàng với mục đích là kinh doanh.Trong quá trình vay mượn, dưới sự giúp đỡ của ngân hàng và giám đốc trưởng chi nhánh, mọi giấy tờ đều được làm khống.Từ giấy phép kinh doanh, đến quy trình, kế hoạch kinh doanh và trả nợ đều được soạn sẵn và đưa cho em kí trong khi em chưa kịp đọc bất cứ điều mục nào trong đó. Họ cố tình ép em kí nhanh.Từ lúc làm hợp đồng cho đến khi giải ngân đều rất nhanh.

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Ba em, đã vay 650 triệu từ ngân hàng với mục đích là kinh doanh. Nhưng thực chất là dùng để cá độ đá banh.Do ông bị dị tật ở 1 chân, đi lại khó khăng, không thích hợp để trình diện trước ngân hàng. Phía ngân hàng đã tư vấn để em đứng tên người vay mượn. Còn ba em là người bảo lãnh với tài sản thế chấp là ngôi nhà, Được định giá 875 triệu. Trong quá trình vay mượn, dưới sự giúp đỡ của ngân hàng và giám đốc trưởng chi nhánh, mọi giấy tờ đều được làm khống. Từ giấy phép kinh doanh, đến quy trình, kế hoạch kinh doanh và trả nợ đều được soạn sẵn và đưa cho em kí trong khi em chưa kịp đọc bất cứ điều mục nào trong đó. Họ cố tình ép em kí nhanh.Từ lúc làm hợp đồng cho đến khi giải ngân đều rất nhanh. Chỉ trong 3 ngày.Sau đó, thay vì em, người mượn tiền, dùng số tiền đó để làm ăn, thì ba em đã dùng toàn bộ số tiền đó nướng vào cá độ đá banh. Sau khi dùng hết tiền ngân hàng để cá độ, hiện tai gia đình em đang sống dựa vào mức lương của mẹ em và em.Hiện tại số tiền gia đình em nợ 650 triệu. lãi suất 11%/năm ngắn hạng của ngân hàng và đã không còn khả năng chi trả được.Ba em đã dọa sẽ bán nhà và đuổi em và mẹ em ra khỏi nhà sau khi bán được nhà.Mặc dù ba em chỉ ở trong nhà nằm một chỗ, sống dựa vào lương của em và người đi ra ngoài tìm môi giới nhà đất là em, nhưng sau những lời đe dọa đó em rất phân vân không biết mình có nên xúc tiến việc bán nhà nữa hay không ?Chính vì vậy em rất cần sự giải đáp kĩ càng về luật pháp cho những vấn đề liệt kê dưới đây:Cách xử lý của ngân hàng trong trường hợp nợ xấu của gia đình emEm là người đứng tên vay mượn nhưng trong thực tế em không phải là người sử dụng số tiền ấy, em có cần phải trả lãi ngân hàng không.Với câu chuyện ở trên, nếu như ba em kiện ngược trở lại, em có phải đi tù không. ( lúc kí hợp đồng có mặt em và ba em)Liệu ngân hàng có niêm phong ngôi nhà em đang ở để đưa đi đấu giá liền hay không ? Do em cần có thời gian để bán nhà. Việc ngân hàng thiếu trách nhiệm trong lúc xét duyệt giải ngân, nhân viên tín dụng lạm quyền để giải quyết hợp đồng nhanh có thể quy vào tội nào ? Có thể giúp gì em trong trường hợp này không.Ba em cá độ đá banh dựa trên tiền vay ngân hàng bị xử tội gìNhững người trong đường dây cá độ đá banh ba em đã lấy mạng về có thể bị tố cáo không ? Nếu tố cáo thành công thì tội gì ? án phạt ra sao ?Nếu như ba em giả giấy tờ thừa kế => ngôi nhà không phải do ba em sở hữu mà là của người bà đã mất của em, thì việc vay mượn này có vô hiệu hóa hay không ?Ba em đã làm giấy tờ thừa kế không hợp lệ, đút tiền để duyệt khi thiếu người xác nhận, như vậy giấy tờ đó có hợp lệ không ?Việc ba em lạm dụng tín nhiệm của em và ngân hàng để cá độ ( em hoàn toàn phản đối việc cá độ) khác với những lời hứa ban đầu có thể có ích lợi gì khi đưa ra tòa xét xử không.Em đang môi giới bán ngôi nhà của ba em, Nhưng ba em lại muốn cầm tất cả tiền bán được để bỏ đi cá độ tiếp. Liệu em có nên hỗ trợ bán nhà cho ba em nữa không ?Nếu bị phát mãi, niêm phong tài sản, số tiền còn lại em thu được là bao nhiêu? Nếu bị truy tố hình sự ai sẽ là người chịu trách nhiệm ?Tất cả những câu hỏi trên đã được chon lọc, và suy nghĩ rất kĩ trước khi hỏi. Mong quý luật sự sẽ trả lời đầy đủ và chính xác để giúp em có cái nhìn rõ hơn trong tình hình này.Chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Cách xử lý của ngân hàng trong trường hợp nợ xấu của gia đình em. Em là người đứng tên vay mượn nhưng trong thực tế em không phải là người sử dụng số tiền ấy, em có cần phải trả lãi ngân hàng không?

 

Điều 471 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

 

Như vậy, người đứng tên vay tiền trong hợp đồng tín dụng có nghĩa vụ trả tiền nợ gốc và tiền lãi đúng hạn theo thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định.

 

Đối với vụ việc trên, mặc dù thực tế bố của bạn mới là người sử dụng số tiền vay nhưng căn cứ Điều 471 BLDS, hợp đồng tín dụng do các bên ký kết và phân tích trên thì bạn có trách nhiệm trực tiếp chi trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng.

 

Khi đến hạn phải thực hiện nghĩa vụ mà bạn không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng thì trong phạm vi quyền hạn theo luật định và do các bên thỏa thuận thì Ngân hàng có quyền đem tài sản bố bạn đã thế chấp để xử lý nhằm thu lại khoản tiền gốc và lãi đã cho vay.

 

Bộ luật dân sự 2005 quy định:

 

"Điều 361. Bảo lãnh

 

Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

 

Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh

 

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh."

 

Mặc dù thực tế các bên ký hợp đồng thế chấp nhưng bản chất thỏa thuận trên là thỏa thuận bảo lãnh. Bố của bạn cam kết sẽ dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho nghĩa vụ của bên bảo lãnh khi bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng có quyền xử lý tài sản để đảm bảo khoản vay (trường hợp hợp đồng thế chấp phát sinh hiệu lực pháp lý).

 

Theo quy định tại Điều 369 Bộ luật dân sự 2005 nêu trên, chỉ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì Ngân hàng mới có quyền tiến hành các thủ tục để xử lý tài sản bảo đảm.

 

Việc ngân hàng thiếu trách nhiệm trong lúc xét duyệt giải ngân, nhân viên tín dụng lạm quyền để giải quyết hợp đồng nhanh có thể quy vào tội nào? Có thể giúp gì em trong trường hợp này không.

 

Giả sử có căn cứ chứng minh nhân viên tín dụng  có hành vi trái quy định của pháp luật thì căn cứ Điều 471, Điều 474 Bộ luật dân sự bạn vẫn có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ khoản tiền nợ (tiền nợ gốc và lãi xuất theo thỏa thuận).

 

Xét hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên tín dung: Việc nhân viên tín dụng hoàn tất bộ hồ sơ tín dụng giả, nếu có đủ căn cứ chứng minh thì sẽ bị xử lý về tội phạm tương ứng. Trong vụ việc trên, có thể những cá nhân làm sai sẽ bị truy cứu TNHS về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự:

 

Điều 281 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

 

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ một năm đến năm năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Phạm tội nhiều lần;

 

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

 

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

 

Ba em cá độ đá banh dựa trên tiền vay ngân hàng bị xử tội gì. Những người trong đường dây cá độ đá banh ba em đã lấy mạng về có thể bị tố cáo không ? Nếu tố cáo thành công thì tội gì ? án phạt ra sao?

 

Hành vi đánh bạc sẽ bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc theo quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự nếu có đủ dấu hiệu CTTP.

 

Điều 248 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Tội đánh bạc

 

“1. Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt  tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

 

c) Tái phạm nguy hiểm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi  triệu đồng.

Việc bố của bạn và những người cùng chơi khác sử dụng tiền, tài sản để chơi cá độ bóng đã thì tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi sẽ bị xử phạt hình phạt tương ứng theo quy định trên.”

 

Nếu như ba em giả giấy tờ thừa kế mà ngôi nhà không phải do ba em sở hữu mà là của người bà đã mất của em thì việc vay mượn này có vô hiệu hóa hay không? Ba em đã làm giấy tờ thừa kế không hợp lệ, đút tiền để duyệt khi thiếu người xác nhận, như vậy giấy tờ đó có hợp lệ không ?Việc ba em lạm dụng tín nhiệm của em và ngân hàng để cá độ (em hoàn toàn phản đối việc cá độ) khác với những lời hứa ban đầu có thể có ích lợi gì khi đưa ra tòa xét xử không?

 

Theo quy định của pháp luật, việc phân chia di sản thừa kế phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục. Trong quá trình phân chia di sản thửa kế, nếu có căn cứ chứng minh có sự tác động làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ hoặc thiếu hồ sơ, giấy tờ, xác nhận của những người có quyền lợi liên quan thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bố của bạn không hợp lệ.

 

Vậy, trường hợp bố của bạn sử dụng giấy tờ không hợp lệ (quyền sử dụng đất không thuộc quyền sở hữu của người này) thì căn cứ Điều 369 Bộ luật dân sự 2005 nêu trên, Ngân hàng không có quyền yêu cầu xử lý tài sản trên để thu hồi khoản tiền đã cho bạn vay.

 

Em đang môi giới bán ngôi nhà của ba em, Nhưng ba em lại muốn cầm tất cả tiền bán được để bỏ đi cá độ tiếp. Liệu em có nên hỗ trợ bán nhà cho ba em nữa không ?Nếu bị phát mãi, niêm phong tài sản, số tiền còn lại em thu được là bao nhiêu ?Nếu bị truy tố hình sự ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

 

Việc bạn có hay không hỗ trợ bán nhà tùy thuộc vào ý chí chủ quan của bạn. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà đã đem ra thế chấp, các bên đã tiến hành thủ tục đăng ký thế chấp thì gia đình bạn không có quyền tự ý mua bán khối tài sản trên; việc mua bán đều phải thông qua phía Ngân hàng.

 

Trường hợp bán khối tài sản trên thì gia đình bạn buộc phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng; trường hợp không trả nợ thì tùy từng trường hợp sẽ bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV. Nguyễn Ngọc Ánh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo