Đinh Thị Minh Nguyệt

Tư vấn về việc đòi nợ khi cho vay không công chứng

Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư! Tôi có cho đứa cháu trai tên A (sinh năm 1982) con bà chị gái tôi vay một khoản tiền lớn. Năm 2013 hai vợ chồng A có ký giấy vay nợ chúng tôi và có chữ ký bảo lãnh của hai vợ chồng chị gái tôi (tức bố mẹ A). Năm 2014, chúng tôi thấy không được yên lòng về khoản vay này, tôi đã thu hồi khoản tiền này về. A nói đang làm ăn tốt và thuyết phục chúng tôi tiếp tục cho A vay.


Tôi đã đồng ý tạo điều kiện cho A vay trở lại với điều kiện bố mẹ A đứng lên vay. Do cần tiền, A đã về thuyết phục bố mẹ ký giấy vay. Vài ngày sau A gọi cho tôi báo là bố mẹ cháu đã đồng ý vay cho cháu và gặp tôi đưa giấy với đầy đủ chữ ký của bố mẹ và chữ ký của A dưới vai trò người làm chứng. Cầm giấy nhưng tôi vẫn chưa đồng ý, đề nghị A phải lấy dấu vân tay cho chắc. Hôm sau A đưa lại giấy cho tôi với đầy đủ vân tay. Ngoài ra A còn ký xác nhận nợ vào giấy khác cho chúng tôi về khoản vay trên. Gần đây tôi có đề nghị A dần chuyển tiền trả chúng tôi nhưng A nói từ từ chưa có tiền. Tôi hỏi bố mẹ A thì nhận đc câu trả lời là giấy vay tôi đưa ra là giấy tờ giả mạo. Và có thái độ lờ khoản vay này đi cả A cũng vậy? Xin đc hỏi luật sư! Việc cho vay này của chúng tôi có thể đòi nợ bằng cách nào? Tôi có thể đòi bố mẹ A hay đòi A? Bố mẹ A và A đã phạm tội gì? Nếu bố mẹ A nói đúng thì tức là A đã làm giấy tờ giả. Tôi có thể phát đơn kiện được không? Và kiện ai? Xin cám ơn luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc vay nợ có đòi được không?

Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Pháp luật hiện hành không quy định hợp đồng vay tài sản phải công chứng, chứng thực.và hợp đồng vay tài sản có thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi nhất định đều có hiệu lực pháp luật. Giấy vay mượn tiền có thể được coi là một hợp đồng dân sự bằng văn bản.  Cho nên, đây được coi là một trong những chứng cứ chứng minh về mối quan hệ vay tài sản giữa hai bên chủ thể, có dấu vân tay của người vay, dù không có công chứng, chứng thực thì hợp đồng đó vẫn được coi là hợp pháp về hình thức.  Ngoài ra, bạn có thể cung cấp bằng chứng chứng minh tồn tại thỏa thuận cho vay tiền như tin nhắn, ghi âm, người làm chứng, chuyển khoản ngân hàng...Như vậy, theo hợp đồng giao kết giữa hai bên sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này xác định những người có nghĩa vụ trả nợ là những người đồng ý ký tên vào giấy vay tiền bao gồm A và bố mẹ A, việc xác định chữ ký và dấu vân tay của bố mẹ A sẽ được Tòa án xác minh khi giải quyết.

Thứ hai, về thủ tục khởi kiện

Trường hợp A cố tình không thực hiện nghĩa vụ, bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án quận/ huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Kèm theo đơn khởi kiện bạn có thể gửi các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, cụ thể là giấy viết tay về việc vay nợ giữa hai bên để tòa án xem xét, giải quyết. Khi khởi kiện, giấy vay nợ được lập giữa hai bên sẽ là căn cứ để tòa án xác định nghĩa vụ trả nợ của bên vay tiền. 

Thời điểm giải quyết vụ án sẽ  tùy thuộc vào tình tiết cụ thể của vụ án, chứng cứ, giấy tờ liên quan kể từ ngày tòa thụ lý đơn khởi kiện.

Ngoài ra, nếu A có dấu hiệu bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ như vắng mặt khỏi nơi ở, không thể liên lạc...Vì vậy với số tiền lớn bạn đã cho vay và những hành vi của A, bạn có thể làm đơn tố cáo  đến cơ quan Công an nơi bạn cư trú đối với hành vi của A là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 1 điều 140 Bộ luật hình sự 2004.

Điều 140 BLHS quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;


b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

..."

Như vậy, bạn trước tiên bạn thỏa thuận với A để giải quyết nhanh chóng, tùy vào hành vi của A để bạn có hướng khởi kiện theo dân sự hay tố cáo A theo tội nêu trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc đòi nợ khi cho vay không công chứng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv. Thúy Ngần - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo