Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về vấn đề thay đổi tên đệm khai sinh thế nào?

Đề nghị tư vấn: Thưa luật sư! Tôi có một vấn đề mong được công ty giải đáp thắc mắc cho tôi như sau: Chồng tôi tên khai sinh là : Đ Sĩ N. Sinh ngày x/y/19xy . Được đăng ký khai sinh vào ngày x/x/19xx tại UBND Thị Trấn Y. Do lạc hậu và thiếu hiểu biết nên khi bố mẹ - chồng tôi đi làm thủ tục nhập tên chồng tôi vào sổ hộ khẩu đã không kiểm tra và không thắc mắc và để xảy ra 1 việc là cán bộ hộ tịch nhập tên chồng tôi thành : Đ Sỹ N trên sổ hộ khẩu.

Và cho đến nay toàn bộ giấy tờ của chồng tôi bao gồm:

- CMND - Tất cả các văn bằng - Giấy ĐK kết hôn - Giấy khai sinh của 2 con tôi - Giấy CN quyền sử dụng đất - - Hợp đồng lao động với công ty nơi chồng tôi công tác - Sổ bảo hiểm XH.... Tất cả đều mang tên là : Đ Sỹ N Nay tôi xin được hỏi chồng tôi muốn thay đổi tên đệm" Sĩ " thành" Sỹ " thì có được hay không?  Xin được tư vấn! Tôi xin cảm ơn quý công ty !

 

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 về quyền thay đổi tên thì:

 

“ 1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

 

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

 

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

 

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

 

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

 

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

 

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

 

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

 

2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

 

3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.

 

Như vậy, chồng bạn có quyền thay đổi tên trong các trường hợp đã quy định ở trên.

 

Căn cứ vào khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

 

"Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch

 

“ 2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.”

 

Do đó, bây giờ chồng bạn không phải xin đăng kí lại khai sinh mà cần làm thủ tục để thay đổi, cải chính hộ tịch. Vậy chồng bạn có thể thay đổi tên đệm từ "Sĩ" sang "Sỹ" được. Thủ tục cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 13 Nghị định này:

 

" Điều 13. Ghi vào Sổ hộ tịch nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch


“ 1. Ngay sau khi nhận được thông báo kèm theo bản sao trích lục hộ tịch theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 của Luật Hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ bản sao trích lục ghi đầy đủ nội dung thay đổi, cải chính vào Sổ hộ tịch, bao gồm: Số, ngày, tháng, năm; tên cơ quan cấp; họ, tên người ký trích lục hộ tịch; báo cáo Thủ trưởng cơ quan đăng ký hộ tịch ký, đóng dấu xác nhận.


Trường hợp Sổ hộ tịch đã được chứng thực chuyển lưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này thì công chức làm công tác hộ tịch phải báo cáo bằng văn bản kèm bản chụp trích lục hộ tịch cho cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên để ghi tiếp nội dung thay đổi, cải chính vào bản sao Sổ hộ tịch tương ứng. Cơ quan tiếp nhận bản sao Sổ hộ tịch có trách nhiệm ghi nội dung thay đổi, cải chính vào bản sao Sổ hộ tịch tương ứng; Thủ trưởng cơ quan ký, đóng dấu xác nhận về nội dung đã ghi.
 

2. Thủ trưởng cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch nhận được văn bản thông báo mà không thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch hoặc có trách nhiệm thông báo mà không thực hiện thông báo và gửi bản sao trích lục hộ tịch theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 của Luật Hộ tịch phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch sai lệch theo quy định của pháp luật."

 

Theo đó khi chồng bạn làm đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch thì sẽ phải chờ cơ quan quản lý hộ tịch làm thủ tục rồi thông báo lại mới có thể đổi tên đệm được.

 

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

 

Trân trọng

P. Luật sư trực tuyến - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo