Phạm Việt Hằng

Tư vấn về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng

Chào Luật Minh Gia, Tôi tên ĐP. Vào ngày 1/10/15, gia đình tôi có mua sản phẩm kỳ nghỉ của A VN Gia đình tôi đã đóng tiền đợt 1 là 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình tôi liên hệ với A để tiến hành lên kế hoạch nghỉ mát thì mới nhận biết là sản phẩm này không như những gì A quảng cáo để bán sản phẩm. Cụ thể như sau:


1/ Trong lúc giới thiệu sản phẩm thì cô bán hàng mập mờ nói rằng khi mua sản phẩm này thì hàng năm sẽ được nghỉ 7 đêm dành cho 5 người tại resort A. Ngoài ra trong giai đoạn trước 2018, A chưa xây xong thì khách hàng, với một khoản phí chuyển đổi, có quyền lựa chọn nghỉ ở M hoặc TC NT hoặc một resort ở ĐN. Thế nhưng trên thực tế sau khi ký hợp đồng thì A nói là với phí chuyển đổi là $300, gia đình tôi chỉ có thể nghỉ 2 đêm cuối tuần tại M và chỉ dành cho 2 người. Thông tin này hoàn toàn bị bỏ qua trong quá trình giới thiệu sản phẩm. Thật sự là với số tiền $300, tôi hoàn toàn có thể book phòng ở M cho 2 đêm với giá rẻ hơn.
 
2/ Bố mẹ tôi là người trực tiếp tham gia sự kiện và ký hợp đồng. Vào ngày 1/10/15, bố mẹ tôi đến hội thảo lúc 2:30 chiều, ngồi nghe giới thiệu đến 5:30 chiều thì bố tôi bắt đầu ký hợp đồng. 1 cô nhân viên khác mang hợp đồng ra và chỉ bố tôi những điểm cần ký. Đáng lưu ý là hợp đồng khoảng 40 trang, A hầu như không yêu cầu bố tôi phải đọc hợp đồng cũng như không lưu ý những điểm quan trọng. Lúc này đã chiều tối và có lẽ các bên đều muốn kết thúc nhanh để đi về. Bố tôi đã ngoài 60 và trình độ học vấn không cao. Sau đó cô nhân viên bán hàng theo bố mẹ tôi về tận nhà để thu tiền, khi cô ấy rời khỏi nhà tôi là 7:30 tối.
 
3/ Sau khi nhận tiền, cô nhân viên đưa bố tôi ký vào giấy xác nhận đặt chỗ (tương tự biên lai thu tiền). Một điểm lưu ý là trên giấy này có ghi 1 dòng chữ nhỏ là "không hoàn lại dưới bất kỳ hình thức nào". Như đã nêu trên, mọi người đều muốn đưa nhận tiền cho xong, gia đình tôi không để ý đến dòng chữ này và phía A cũng không lưu ý với chúng tôi điều này.
 
Tóm lại, 6 ngày sau ngày ký hợp đồng gia đình tôi yêu cầu A hoàn lại tiền thì A trả lời rằng gia đình tôi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng nên sẽ không được nhận lại tiền. Nay xin hỏi Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi hướng giải quyết. Có cơ quan nào có thể bảo vệ người tiêu dùng như gia đình tôi không? Rõ ràng là những giấy tờ A đưa chúng tôi ký bảo vệ cho A rất nhiều.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, đối với việc resort A khi giới thiệu sản phẩm đã không thông báo đầy đủ thông tin của sản phẩm thì căn cứ theo Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về những hành vi bị cấm:

“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

Do đó với việc A cung cấp thông tin không đầy đủ dẫn tới việc gây nhầm lẫn cho gia đình bạn là vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thứ hai, về việc ký kế hợp đồng giữa bố bạn và nhân viên của A, luật không quy định nhân viên bên A phải giải thích hay yêu cầu khách hàng đọc hợp đồng cũng như xem xét kĩ hợp đồng vì pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng, trừ trường hợp bên A bắt buộc phải giải thích căn cứ theo Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”. Vì vậy, việc làm của bên A không vi phạm pháp luật trong vấn đề này. Cũng như việc gia đình bạn kí vào hợp đồng mà không lưu ý đến dòng chữ bên dưới thì bên A cũng không phải chịu trách nhiệm đối với việc này.

Theo những căn cứ trên, bên A không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho gia đình bạn, bạn có quyền yêu cầu bên A bồi thường hoặc có thể khiếu nại, tố cáo theo Khoản 6, 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010:

“6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Và gia đình bạn có thể gửi yêu cầu đến cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010:

“1. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.

2. Người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng



C.V: Phùng Thị Bảo Nhung – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo