Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về từ chối di sản thừa kế và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cha mẹ tôi sinh 11 đứa con, cha tôi đứng tên QSDĐ. Năm 2003 chết 01 đức con do TNGT đã có 01 đứa con trai sinh năm 1998, năm 2012 chết 01 đứa con do bệnh đã có 02 con gái sinh năm 2001 và 2003. Đến năm 2013 cha tôi mất do bệnh.

 

Sau khi cha mất năm nay 2016 gia đình có ý định làm hồ sơ thừa kế và giấy từ chối nhận quyền thùa kế của các con chuyển hết cho mẹ tôi, hần này đã xong và đã có được giấy QSDĐ (thẻ đỏ) sao không phải là thẻ hồng mà lại là thẻ đỏ? Và trên thẻ này mẹ tôi đứng tên lại kèm theo 2 đứa cháu dưới 18 tuổi.

 

Xin hỏi: Vậy là mẹ tôi phải làm hồ sơ để có được giấy QSDĐ (thẻ hồng) nếu muốn, và trên thẻ này bắt buộc phải có 2 cháu cùng đứng tên đến năm 2 cháu đủ 18 tuổi mới làm lại thẻ bỏ tên 2 cháu phải không ạ? Sau này nếu mẹ tôi muốn làm di chúc trước khi các cháu đủ 18 tuổi thì phải làm sao? Nhờ phòng tư vấn pháp luật tư vấn cho gđ tôi biết cách làm cho đúng, xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Sổ đỏ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là mẫu sổ do Bộ tài nguyên và môi trường ban hành để ghi nhận quyền sử dụng đất trong đó có: Đất ở, Đất nông nghiệp, đất rừng, đất giao thông, đất phi nôn nghiệp..... khi được cấp cho đất ở và có nhà ở trên đất, thì phần nhà ở sẽ được ghi là Tài sản gắn liền trên đất.

 

Sổ hồng: Là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do Bộ xây dựng ban hành trong đó ghi rõ: Sở hữu nhà ở như thế nào? sử dụng đất ở thuộc sử dụng riêng hay chung: cấp cho nhà riêng đất hoặc nhà chung đất như nhà chung cư.

 

Bây giờ các loại sổ này đều thông nhất cấp đổi một loai giấy chứng nhận nhà đất là: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Về mặt hình thức sổ đỏ, sổ hồng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở khác nhau nhưng đều ghi nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu của chủ thể có quyền. Và theo quy định của pháp luật hiện hành thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trước đây vẫn có giá trị pháp lý và chỉ đổi sang loại giấy mới nếu người có quyền có yêu cầu (không bắt buộc). Do đó, việc chuyển đổi này là không bắt buộ nhưng nếu mẹ bạn muốn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang mẫu mới thì có thể thực hiện theo quy định. 

 

Căn cứ theo Điều 677 bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thừa kế thế vị:

 

“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

 

Hai người con của bố bạn chết năm 2003 và năm 2012, chết trước thời điểm bố bạn chết (năm 2013). Do đó, cháu (những người con của hai người) được hưởng di sản mà cha mẹ cháu được hưởng của ông nếu còn sống. Các cháu sẽ được hưởng một phần quyền sử dụng đất hoặc một số tiền tương ứng với phần di sản thừa kế mà bố mẹ cháu được hưởng trừ trường hợp các cháu làm từ chối nhận di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi như sau:

 

"1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."

 

Căn cứ theo Điều 141 bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người đại diện theo pháp luật:

 

Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;

…”

Căn cứ theo Điều 642 năm 2005 quy định về từ chối nhận di sản

 

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”

 

Như vậy, đối với chác sinh năm 2001 ( nếu từ đủ 15 tuổi trở lên) thì có quyền từ chối nhận di sản thừa kế thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Đối với cháu sinh năm 2003 (chưa đủ 15 tuổi) do đó, nếu cháu từ chối nhận di sản thừa kế nhưng phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (bố hoặc mẹ còn sống) hoặc người giám hộ theo quy định.

 

Hai cháu được hưởng di sản thừa kế: thừa kế thế vị của bố mẹ cháu. Mặt khác, hai cháu lại không từ chối di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Hai cháu sẽ được một phần di sản thừa kế tương ứng với quyền sử dụng đất do bố mẹ cháu được hưởng từ ông (bố bạn). Và theo quy định của pháp luật, thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế. Bố bạn mất từ năm 2013 đến nay đã được hơn 3 năm do đó đã hết thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế. Do đó, hai cháu sẽ được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với mẹ bạn hoặc mẹ bạn phải cho các cháu được hưởng một phần quyền sử dụng đất hoặc một phần tiền tương ứng với phần di sản thừa kế mà các cháu được hưởng. 

 

Hai cháu được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định là đồng chủ sử dụng cùng với mẹ bạn. Do đó, khi bạn thực hiện sử dụng, định đoạt: tặng cho, mua bán, để lại thừa kế phải được sự đồng ý của hai cháu. 

 

Lưu ý: Trong trường hợp hai cháu đồng ý để mẹ bạn đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bằng văn bản, có công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có đất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về từ chối di sản thừa kế và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo