Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về trường hợp viết đơn kiện

Xin chào luật sư, được sự cho phép của ông bà, bố mẹ cháu xây nhà từ năm 1997 trước sự chứng kiến của chính quyền thôn và họ hàng. Đến thời điểm hiện tại, ông bà cháu đã mất hết, trên giấy tờ đất là đứng tên ông nội cháu với hai thửa đất trong cùng bản đồ của chính quyền xã (1 là của ông nội, 2 là của nhà bố cháu).

 

Tuy nhiên chú ruột đã về phá hoại tài sản gia đình nhà cháu, cụ thể là phá tôn che mái, phá mành che nắng và giá phơi quần áo nhà cháu, nói rằng nhà cháu không có quyền ở như cũ, bắt nhà cháu phai quay nhà theo hướng khác, theo như ý của chú (sự việc chu đập phá tài sản nhà cháu chính quyền xã đã lập biên bản rồi ạ). Mặt khác, thím (vợ chú) ngày nào cũng về mở loa đài to có hôm cả đêm, nhưng thường là hết ban ngày và thường xuyên chửi bố mẹ cháu, theo luật sư, bố mẹ cháu nên viết đơn như thế nào và gửi đến cơ quan chức năng nào nhờ họ giải quyết và nếu kiện thì bố mẹ cháu có khả năng thắng kiện là bao nhiêu %, đồng thời chú sẽ bị phạt như thế nào ạ? Cháu cũng hỏi thêm là vợ chồng chú thím thường xuyên vay tiền không trả, cụ thể vay người ta 30 triệu, đã trả 20 triệu, còn lại không trả. Và rất nhiều trường hợp khác nữa.tuy nhiên do hàng xóm tin tưởng làm aen nên không có giấy tờ gì lưu lại cả.trong trường hợp như vậy thì họ làm gì để lấy lại tiền ạ. Kính mong luật sư xem xét trường hợp của gia đình cháu và người cho vay tiền để đòi lại sự công bằng ạ. Cháu xin chân thành cám ơn luật sư !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, với hành vi phá hoại tài sản của chú bạn

 

Nếu bố bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà thì tài sản đó là của bố bạn và được pháp luật bảo vệ và chú bạn không có quyền phá hoại, như vậy bố bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chú ban có hành vi phá hoại tài sản gây thiệt hại cho gia đình bạn.

 

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Bộ luật dân sự năm 2015.

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Trường hợp này bố bạn có thể viết đơn yêu cầu Tòa án yêu cầu chú bạn phải bồi thường thiệt hại vì đã có hành vi gây thiệt hại tài sản của gia đình bạn theo Khoản 1, Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015.

 

Hành vi của chú bạn còn có thể cấu thành tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

 

“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Thứ hai, đối với hành vi thường xuyên chửi mắng của chú, thím bạn và việc mở loa to của thím bạn.

 

Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định  Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Điều 6. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

 

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

 

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.”

 

Hành vi mở loa của Thím bạn theo thông tin của bạn là vào cả ban đêm, nếu thuộc khung giờ từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định trên.

 

Trường hợp chú thím bạn vay tiền hàng xóm nhưng không trả thì người cho vay có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu trả nợ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo