Luật sư Đào Quang Vinh

Tư vấn về trường hợp trốn tránh nghĩa vụ trả nợ

Kính gửi luật Minh Gia! Xin cho tôi được hỏi một vấn đề về trốn tránh nghĩa vụ trả nợ được không? Tôi là một người khuyết tật. Trước đây tôi có quen một người con gái.Người đó bị tai nạn nên cũng yếu và hay bị bệnh.Cũng đều làm một cty và làm một chỗ.T cũng đôi lần có lấy xe lăn cho tôi. Vì vậy nhiều lần cô ta hỏi mượn tiền tôi tôi định không cho. Nhưng thấy hoàn cảnh cô ta và lại đang đi học nên tôi cũng đánh liều cho mượn.

 

Sau đó thì cô ta nghỉ cty.Ra đi không một lời nói hay liên lạc nữa.Đến giờ cũng gần 3 năm rồi.Cũng may nhờ có trang mạng xã hội mà tôi mới liên lạc được.Nhưng cô ta chỉ lần lựa lần này lần khác và bịa nhiều lý do.Gần đây thì cô ta có nói năm nay trả cho tôi.Nhưng khi tôi liên lạc thì có người khác nói là cô ta cho cái face kia và đã chết rồi. Liên lạc với chị gái của cô ta thì gặp anh rể cũng nói là cô ta đã chết rồi và chặn không cho liên lạc được nữa. Và nói thông cảm. Có nghĩa là không trả nợ.Vậy tôi muốn hỏi là giờ số tiền cô ta nợ tới 6 triệu đồng thì được quy định thế nào? người nhà của cô ta trả thay hay là đành mất? Xin cho tôi được rõ. Cám ơn nhiều!

 

Trả lời: 

 

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợpcủa anh chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo như lời anh kể thì cô gái đó đã vay của anh số tiền là 6 triệu đồng đã gần 3 năm nay, nghĩa là trong một thời gian cũng khá dài. Vì thế nếu bây giờ anh muốn đòi nợ thì anh cần có các giấy tờ hay tài liệu chứng minh việc anh đã cho cô gái đó vay tiền.

 

Thứ hai, anh đã liên lạc với gia đình cô gái đó nhưng được thông báo là cô gái đó đã chết và không thể trả được nợ. Tuy nhiên đây là thông tin chưa được xác thực vì thế có thể sẽ có hai trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất: Cô gái đó đã chết đúng như lời gia đình nói

 

Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

 

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

 

Như vậy trong trường hợp này thì anh không thể đòi nợ cô gái đó nữa nhưng anh có quyền yêu cầu những người thừa kế của cô ta thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho anh. Tuy nhiên anh cũng cần lưu ý rằng nếu di sản thừa kế của cô gái đó không còn hoặc đã được dùng hết để thực hiện các nghĩa vụ khác rồi thì anh không thể đòi nợ nữa.

 

Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

 

Anh có thể tìm hiểu xem những người thừa kế của cô gái đó gồm những ai sau đó khởi kiện những người thừa kế đó yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

 

Trường hợp thứ hai: Cô gái đó chưa chết nhưng vì muốn trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với anh nên đã nhờ người thân nói đối anh

 

Theo điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý…”

 

Như vậy cho tới thời điểm anh tìm được cô gái đó để đòi nợ mà cô ta vẫn không chịu trả nợ cho anh thì cô gái đó đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay tài sản. Vì thế anh hoàn toàn có thể đem những tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cô gái đó vay tiền anh để khởi kiên cô gái đó lên Tòa án yêu cầu hoàn trả lại số tiền đã vay của anh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trường hợp trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Liên Hoa - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo