Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về trường hợp người chiếm giữa tài sản không có căn cứ pháp luật

Bài viết tư vấn về trường hợp mua nhà nhưng người trực tiếp sống trong căn nhà không chịu bàn giao nhà. Nội dung cụ thể:

 

Gia đình tôi có mua lại 1 mảnh đất đã xây dựng 2 căn nhà. Một căn cấp 4 và một căn 4 tầng sát nhau trên mảnh đất đó. Giấy tờ đã đầy đủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình chủ cũ sử dụng có làm ăn cùng một người là T và ở cùng người này 6 năm trong căn nhà đó. T không có giấy tờ gì liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở mà chỉ có hợp đồng điện nước trong 10 năm tại ngôi nhà chứng minh việc T đã từng ở đây. Trước khi tôi chuyển đến ở thì T có xin thêm mấy ngày để dọn đồ nhưng đến khi tôi yêu cầu rời đi thì T ko chịu và lợi dụng lúc tôi đi vắng đã phá khoá căn nhà cấp 4 và khoá lại bằng khoá của T không cho tôi vào để sử dụng căn nhà cấp 4. Mục đích của T nói với tôi là vì chủ cũ nợ T tiền nên gây sức ép qua tôi đòi tiền do mới bán được nhà. Đã hơn 1 tuần này T không chịu mở khoá mặc dù tôi đã nhiều lần yêu cầu và báo chính quyền địa phương. Vậy tôi xin luật sư tư vấn có phải T vi phạm vào điều 141: chiếm giữ trái phép tài sản - BL hình sự hay không? Kính mong luật sư sớm hồi âm để gia đình có hướng giải quyết, xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản

 

Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

 

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

Các dấu hiệu để nhận biết về tội chiếm giữ tài sản theo điều trên:

 

Về Hành vi:

 

Trước hết, người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được).

 

Trong trường hợp bị giao nhầm, cần xác định người phạm tội hoàn toàn không có thủ đoạn nào để bên giao tài sản tưởng nhầm mà giao tài sản cho mình, nếu người phạm tội có thủ đoạn gian dối để bên giao tài sản nhầm mà giao tài sản cho mình thì không phải là bị giao nhầm mà là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Trường hợp tìm được tài sản, trong một số trường hợp cần xác định tài sản mà người phạm tội tìm được là việc tìm kiếm trái phép, nếu việc tìm kiếm đó được phép hoặc Nhà nước không cấm thì tài sản tìm được thuộc quyền sở hữu của người tìm được. Ví dụ: Đào được vàng trong bãi đào vàng Nhà nước không quản lý hoặc người đào vàng đã được cấp giấy phép.

 

Bắt được (nhặt được) tài sản là trường hợp nhặt được của rơi, theo quan điểm truyền thống đạo đức thì nhặt được của rơi nên trả lại cho người bị mất là người thật thà, được xã hội coi đó là hành vi đẹp. Tuy nhiên bên cạnh đó lại có nhiều người theo quan điểm “cá vào ao ai người đó được” nên mỗi khi nhặt được của rơi thường buộc người bị mất phải “chuộc” và những người bị mất tài sản coi việc chuộc lại tài sản là phải đạo vì dù sao thì tài sản cũng đã bị mất rồi. Bộ luật hình sự quy định hành vi bắt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu nếu cố tình không trả là hành vi phạm tội cũng là để giáo dục mọi người phát huy truyền thống đạo đức không tham lam nếu tài sản đó không do sức lao động của mình làm ra. atuy nhiên, pháp luật cũng chỉ quy định bắt được tài sản có giá trị nhất định (từ 50.000.000 đồng trở lên) mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu thì mới là hành vi tội phạm.

 

Không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm.

 

Yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm, do người phạm tội tìm được hoặc bắt được là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc  yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.

 

Về hậu quả:

 

Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, bị rơi không thu hồi được. Tuy nhiên, nếu là tài sản bình thường không phải là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì phải có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên thì mới cấu thành tội phạm này.

 

Như vậy đối chiếu với tình huống của bạn thì bạn đã tiến hành mua căn nhà đó, bạn và chủ căn nhà đó đã làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật nên hiện tại căn nhà đó sẽ thuộc quyền sở hữu của bạn. Tuy nhiên, người T ( người trước đây sinh sống tại ngôi nhà) có hành vi cản trở bạn vào căn nhà sinh sống, dù đã được yêu cầu là trả lại căn nhà nhưng người này cố tình không bàn giao còn có hành động khóa cửa căn nhà này. Nhưng muốn truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải đáp ứng được các dấu hiệu trên, tức là người T này phải có được căn nhà thông qua các hình thức giao nhầm, tìm được,...và cố tình không trả lại căn nhà cho bạn mặc dù biết mình chiếm giữ không có căn cứ. Do đó, hành vi trên vẫn chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Thứ hai, cách giải quyết:

 

Căn cứ theo Điều 579 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 579. Nghĩa vụ hoàn trả

 

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

 

2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

 

Theo đó, bạn cần phải làm rõ phía chủ cũ có giao kết với người T này bất cứ hợp đồng nào không ? ví dụ hợp đồng mượn nhà, thuê nhà,...nếu không thì người này đang chiếm hữu, sử dụng căn nhà trên không có căn cứ và với tư cách là chủ sở hữu hiện tại thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu người T này hoàn trả lại tài sản cho bạn.

 

Để đòi lại tài sản trong trường hợp này thì bạn có thể  khởi kiện ra tòa yêu cầu người T trả lại căn nhà.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo