LS Hồng Nhung

Tư vấn về trường hợp giao dịch bảo lãnh vô hiệu

Chào văn phòng luật sư cho tôi hỏi về việc ký kết giao dịch bảo lãnh như sau: Tôi và cha tôi đang bị khởi kiện về hợp đồng kinh tế và trách nhiệm liên đới (cha tôi là người bị khởi kiện về trách nhiệm liên đới). Tôi xin trình bày tóm tắt 2 sự việc như sau :

 

Sự việc 1: nguyên vào năm 200x tôi là giám đốc một công ty, có ký một hợp đồng với một công ty (tạm gọi là cty A). Công ty A là do tôi quen và đó cũng là người bác bà con xa. Khi thực hiện hợp đồng mọi thủ tục, giấy tờ giao dịch tôi là người ký tên. Do kinh phí và yếu tố khách quan về cơ chế vật vá cty tôi chưa quyết toán hết số tiền cho công ty A (còn lại 50%). Vào khoảng năm 201x công ty A có đến quyết toán với công ty của tôi và bàn giao số nợ còn lại (50%) cho công ty bên thứ 3 (gọi là công ty B). Cty tôi đồng ý và xác nhận có nợ bên cty B (chỉ xác nhận nợ và không có điều khoản gì) và hết nợ công ty A (bên công ty A người này đã chết năm 201x).

Sự việc 2: đến nay công ty B khởi kiện cty tôi trả nợ và cha tôi có trách nhiệm liên đới trả nợ thay tôi. Trong khi làm ăn và giao dịch qua lại tôi có biết cty A thuê lại cty B để san lấp mặt bằng cho cty tôi (đó là công việc của cty A và B tôi không cần biết). Và lúc đó khi làm ăn cũng biết về gia đình, cha mẹ, anh em của tôi (tôi đã ở riêng gia đình). Công ty B cũng có tiếp xúc với cha tôi, gia đình tôi vài lần và lần gần đây nhất là năm 201x, cty B có đến nhà và mời cha và tôi nhậu tại nhà tôi, trong lúc ai cũng đã say (lúc đó còn lại 3 người là tôi, cha tôi và đại diện cty B), đại diện công ty B kêu cha tôi ký tên bảo lãnh nợ cty tôi và nói nếu cha tôi ký thì không kiện cty tôi, lúc đó cha tôi say nghe vậy nên ký đại (không có đọc giấy ký đó là giấy nợ). Đến lúc này cty B khởi kiện đòi cha tôi trả nợ thay cty tôi (tội liên đới trách nhiệm).

Trên đây là phần trình bày tóm tắt của tôi, mong văn phòng luật sư hướng dẫn cha tôi có phải chịu liên đới trách nhiệm với công ty và trả nợ thay cty của tôi không? Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: 

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015:

 

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

 

Theo quy định trên, giao dịch bảo lãnh giữa bố bạn và công ty B có hiệu lực nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, giao dịch bảo lãnh giữa bố bạn và công ty B được thực hiện trong khi cả bố bạn và đại diện công ty B đều say, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, không thể xác định được ý chí của bố bạn và người đại diện công ty B trong trường hợp này là tự nguyện hay không. Trường hợp việc ký kết giao dịch bảo lãnh đó không phải là ý chí tự nguyện của các bên thì giao dịch bảo lãnh giữa bố bạn và công ty B là giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, bố bạn không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho công ty bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trường hợp giao dịch bảo lãnh vô hiệu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư Tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo