Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về trách nhiệm khi gây tai nạn giao thông

Xin tư vấn: Chồng tôi bị tai nạn giao thông khi trong máu có nồng độ cồn, nhưng lại bị thương nặng do một người đi ngược chiều đâm vào. xin trình bày sự việc cụ thể:

 

Thứ 6, ngày 13/06/2014, Chồng em bị người ta đụng phải trong tình trạng chồng em bị say, còn say như thế nào, nồng độ còn là bao nhiêu thì em không biết, mà trong hồ sơ của bệnh viện không ghi điều đó (em có nhờ bác sỹ đọc hồ sơ bệnh án nên biết điều đó.

Chồng em bị thương rất nặng: Chấn thương đầu, Đa chấn thương, dập gan, thận, gãy tay phải, gãy xương gò má, gãy xương hàm dưới, góc hàm, còn người đụng vào chồng em chỉ bị trầy da thôi, và trên biên bản hiện trường công an có kết luận “Do Nguyên Văn A đi ngược đường gây tai nạn”

Sau tai nạn bên gây tai nạn không hỏi thăm cũng không bồi thường nên hồ sơ được chuyển qua bên hình sự, nhưng hiện tại chưa có thông tin xử lý gì và em cũng chưa làm được giấy chứng nhận thương tật. 

Sau này khi ra tòa:

1. Chồng em lái xe trong tình trạng có men thì chồng em có bị xử phạt không? hình phạt như thế nào? 

2. Người gây tai nạn sẽ bị phạt như thế nào? và có phải bồi thường lại cho chồng em không?

3. Ngoài 2 câu hỏi trên, còn thêm thông tin gì có thể chia sẽ, xin chia sẻ thêm để gia đình em biết trước và có quyết định đúng đắn.

Em rất cảm ơn sự phản hồi của Luật Sư. 

 

>> Giải đáp thắc mắc về trách nhiệm bồi thường tai nạn giao thông, gọi 19006169

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi tư vấn cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chồng chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về trách nhiệm của chồng chị khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn:

 

Vì chị không cung cấp thông tin cụ thể về việc chồng chị điều khiển phương tiện gì nên chúng tôi không thể xác định cụ thể mức phạt.

 

- Căn cứ Điểm a Khoản 6, Điểm b Khoản 8, Điểm a Khoản 9 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự):

 

+ Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

 

+ Phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

 

+ Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

 

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 và Điểm c Khoản 8 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (đối với người điều khiển xe mô tô và các xe tương tự)

 

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

 

+ Phạt tiền từ 3 đến 4 triệu đồng với hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

 

- Căn cứ Điểm c Khoản 4, Điểm a Khoản 6 , Điểm a Khoản 7 Điều 7 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (đối với người điều khiển máy kéo và xe máy chuyên dùng):

 

+ Phạt tiền từ 600 đến 400 nghìn đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

 

+ Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

 

+ Phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đông với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

 

Ngoài ra thì có thể bị áp dụng các biện pháp sử phạt bổ sung. Do đó, cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm của chồng chị để đưa ra mức xử phạt tương ứng.

 

Thứ hai về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

Khi có kết luận cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về lỗi trong vụ tai nạn thì sẽ xác định được người có trách nhiệm bồi thường. Nếu chồng chị không có lỗi trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra liên quan đến vụ tai nạn. Cách xác định thiệt hại về tài sản và sức khỏe được xác định theo quy định tại Điều 608 và 609 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:

1. Tài sản bị mất;

2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;

4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, pháp luật ưu tiên sự thỏa thuận của các bên trong giới hạn mức bồi thường thiệt hại tối đa, nếu các bên không thỏa thuận được thì pháp luật căn cứ vào mức độ thiệt hại, mức độ lỗi của các bên để xác định mức bồi thường.

 

Thứ ba về trách nhiệm hình sự

 

Nếu người điều khiển xe đâm vào chồng chị vi phạm quy định của an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại về sức khỏe cho chồng chị thì tùy từng mức độ và tính chất của hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọngcho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trách nhiệm khi gây tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

C.V Hoàng Ngàn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo