Phạm Diệu

Tư vấn về thừa kế quyền sử dụng đất có di chúc

Nhờ luật sư tư vấn giùm tôi việc như sau: ông bà nội tôi có 2 người con ( 1 chị gái bố tôi và bố tôi), mảnh đất ông bà nội tôi đã được cấp sổ đỏ trước năm 2006 do ông bà tôi gây dựng. Năm 2006 bà nội tôi mất, ông tôi có lấy 1 bà kế ( có đăng ký kết hôn và vào sổ hộ khẩu có tên 2 ông bà từ năm 2008), nay ông tôi mới mất và có di chúc để lại toàn bộ mảnh đất hiện tại cho bà kế.

Nhờ luật sư tư vấn giùm tôi 2 việc như sau: 

- Nếu bố tôi không chấp nhận làm theo di chúc của ông nội tôi thì theo luật thừa kế bố tôi phải làm như thế nào để nhận lại phần đất hợp pháp của mình;

- Ông tôi là người có công với cách mạng, đang hưởng lương hưu hàng tháng, thời gian hoạt động cách mạng sau năm 1945 ( ông tôi sinh năm 1935), khi ông mất bố tôi đứng lên lo liệu hậu sự, vậy bố tôi phải cung cấp các giấy tờ gì để được nhận tiền tử tuất và thời gian nhận tiền tử tuất là bao nhiêu ngày kể từ ngày mất? 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Yêu cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về quyền thừa kế của bố bạn. Như bạn đã trình bày, mảnh đất đã được cấp sổ đỏ là do ông bà nội bạn gây dựng, theo quy định của pháp luật đây được coi là tài sản chung của hai ông bà. Do đó, ông nội bạn không có quyền quyết định đối với toàn bộ mảnh đất đó. 

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

 

"2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế."

 

Theo đó, nếu hai ông bà không có thỏa thuận về chế độ tài sản khi còn sống thì tài sản chung sẽ được chia đôi để thực hiện chia thừa kế. Vì ông nội bạn đã thể hiện ý chí muốn để lại mảnh đất hiện tại cho bà vợ kế thông qua di chúc nên bố bạn chỉ có thể yêu cầu chia di sản đối với phần tài sản của bà nội bạn, tức quyền sử dụng đối với 1/2 diện tích mảnh đất hiện tại. Vì bà nội bạn chết không để lại di chúc, do đó phần di sản của bà nội bạn sẽ được chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật, cụ thể:

 

Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

 

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

 

Với thông tin bạn cung cấp, hàng thừa kế thứ nhất đối với phần di sản của bà nội bạn bao gồm: ông nội bạn, bố bạn, chị gái của bố bạn. Mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau. Giả sử khi bà nội bạn mất, hàng thừa kế thứ nhất không còn ai nữa thì bố bạn sẽ được thừa kế phần tài sản bằng 1/6 tổng giá trị tài sản chung của ông bà.

 

Như vậy, bố bạn sẽ vẫn được nhận phần thừa kế đối với mảnh đất đó nếu yêu cầu chia di sản đối với phần di sản của bà nội bạn.

 

Về phần di sản của ông nội bạn. Về nguyên tắc, ông nội bạn viết di chúc để lại tài sản cho ai thì người đó sẽ được hưởng. Tuy nhiên pháp luật dân sự hiện hành lại có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:

 

"Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

 

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động." (Điều 669 Bộ luật dân sự 2005)

 

Như vậy, trong trường hợp bố bạn là người không có khả năng lao động thì sẽ được hưởng phần tài sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ông nội bạn.

 

Thứ hai, về thủ tục nhận tiền tử tuất. Bạn không nói rõ ông bạn thuôc nhóm người nào trong số các nhóm người có công với cách mạng như:  Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, mà mỗi nhóm người thì có chế độ ưu đãi riêng và thủ tục riêng, bạn có thể tham khảo các chế độ đối với từng nhóm người có công với cách mạng tại Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi bổ sung tại Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13)  và trình tự thủ tục để được hưởng chế độ ưu đãi tại Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thừa kế quyền sử dụng đất có di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Hồ Thu Uyên - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo