LS Hoài My

Tư vấn về thừa kế di sản do bà nội để lại sau khi chết

Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống

1. Luật sư tư vấn về thừa kế

Người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật, xác định dựa trên mối quan hệ huyết thống họ hàng. Vậy, thủ tục hưởng di sản thừa kế được pháp luật quy định như thế nào? Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bao lâu?  Khi có tranh chấp về chia di sản thừa kế thì Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết? Đây là những câu hỏi mà hàng nghìn khách hàng đã liên hệ tới Luật Minh Gia để được tư vấn.

Nếu bạn cũng có những câu hỏi tương tự mà chưa biết hỏi ai, tìm hiểu ở đâu thì hãy liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư chúng tôi sẵn sàng giải đáp nhanh chóng và chính xác cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà chúng tôi tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức pháp luật

2. Điều kiện hưởng di sản thừa kế 

Câu hỏi tư vấn: Trước kia ba tôi bị đi cải tạo nên bị cắt hộ khẩu. Khi về người ta cho giấy nhưng ba tôi không nhập lại. Gia đình nội tôi có 10 người con (ba tôi là thứ 7). Mẹ và ba tôi li dị năm 2009 tôi theo mẹ được 1 năm thì về ở với ba ở nhà cô 6. Nhà ba tôi, mấy cô tôi đứng ra bán nhưng tôi không biết. Lúc đó ba tôi rất giền ruợu. Tôi hỏi tiền đâu thì các cô tôi trả lời rằng lo cho ba tôi hết, nhưng tôi nghe rằng có người nói tiền cô tôi mượn nhưng không cho tôi biết. Nhà do bà nội tôi đứng tên. Năm 2010 bà nội tôi chết. Ba tôi cũng mất năm 2012. Bà nội tôi còn 1 phần đất trị giá 1 tỷ. Hiện nay, đang kêu bán nhưng nghe nói không chia cho tôi nhưng hộ khẩu tôi vẫn còn chung với bà. Hiện tại tôi đang sống bên vợ gần đó. Vậy tôi có được hưởng hay không? Nếu không chia tôi phải làm thế nào? Rất mong luật sư trả lời cho. Tôi cảm ơn!

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

- Thứ nhất là về việc bạn có được hưởng thừa kế đối với phần di sản mà bà nội bạn để lại khi chết.

Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Thời điểm, địa điểm mở thừa kế như sau:

"1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản".

Căn cứ quy định trên thì thời điểm mở thừa kế là lúc bà nội bạn chết. Và theo thông tin bạn cung cấp thì khi bà nội mất ba bạn vẫn còn sống. Do đó, ba bạn vẫn được hưởng thừa kế đối với di sản do bà nội bạn để lại.

Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Theo đó, ba bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất cùng với các cô của bạn nên sẽ được hưởng phần di sản của bà nội bạn bằng với các cô của bạn. Do đó, sau khi ba bạn mất thì bạn sẽ được hưởng đối với phần di sản mà ba bạn để lại khi chết. Trong phần di sản của ba bạn có một phần tài sản nằm trong tài sản của bà nội bạn. Nên khi các cô bạn bán mảnh đất mà bà nội bạn để lại khi chết thì cũng phải có sự đồng ý của bạn. Và bạn cũng sẽ được hưởng thừa kế đối với mảnh đất đó.

- Thứ hai là nếu bạn không được chia phần di sản của bà nội.

Trường hợp của bạn thì bạn vẫn được hưởng thừa kế phần di sản mà bà nội bạn để lại khi chết. Nên các cô bạn không chia cho bạn phần di sản đó thì bạn có thể làm đơn khởi kiện.

Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thời hiệu thừa kế như sau:

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Và theo thông tin bạn cung cấp thì bà nội bạn chết năm 2010 nên đến hiện nay thì thời hiệu khởi kiện thừa kế vẫn còn hiệu lực.

Vì vậy, bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi lên Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo