Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về thừa kế tài sản của bố khi không có di chúc

Em chào anh!Em muốn hỏi về việc thừa hưởng tài sản của bố em khi không có di chúc. Vừa rùi bố em bị cảm mất đột ngột không có chia tài sản hay gì hết cho các con.Nhưng bố em và mẹ em đã ly hôn mỗi người ở một nhà trên cùng 1 miếng đất rộng 287m vuông.

 

Tòa án có xử phân chia và giải quyết cho bố mẹ em hết rùi. Hiện bố em đang ở 1 mình 1 nhà nhưng do mất đột ngột bố em không phân chia cho ai cả.Nhưng giấy tờ đất đó bố em lại đưa cho chị gái của bố em cầm đến giờ bà ấy ko có ý định muốn trả lại cho 3 chị em em.Và đặc biệt là bố em có 1 miếng đất 40m vuống dưới hải phòng do anh họ của em chuyển nhượng lại cho bố em.Sau bố em bị ép phải chuyển nhượng lại cho con trai út của chị gái bố em.Em muốn hỏi là bây giờ 3 chị em em có thể lấy lại miếng đất 40m vuống dưới hải phòng và giấy sử dụng đất trên bắc giang ko ạ.?Mong anh tư vấn giúp em

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, chia thừa kế theo quy định của pháp luật:

 

Theo như bạn trình bày thì bố mẹ bạn đã ly hôn với nhau và đã phân chia tài sản chung của hai người. Tuy nhiên, bố bạn mất đột ngột và khổng để lại di chúc nên theo khoản 1 Điều 650 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

  1. Không có di chúc;

 

Như vậy, nếu bố bạn mất mà không để lại di chúc thì phần di sản do bố bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c)Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

Bố mẹ bạn đã ly hôn nên trong trường hợp này thì số di sản mà bố bạn để lại sẽ được chia cho 3 chị em bạn.

 

Thứ hai, tranh chấp về chia thừa kế:

 

Di sản mà bố bạn để lại bao gồm 1 mảnh đất ở Bắc Giang và Hải Phòng:

 

Đối với trường hợp di sản tại Bắc Giang thì người chị gái của bạn đang giữ toàn bộ giấy tờ mà không có ý định phân chia di sản thì trong trường hợp này  bạn có thể làm đơn gửi ra Tòa án nơi có bất động sản đang tranh chấp để yêu cầu giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế.

 

Đối với trường hợp di sản là mảnh đất tại Hải Phòng thì theo như bạn trình bày thì đây là mảnh đất mà bố bạn mua từ người anh họ. Tuy nhiên bạn có nói rằng bố bạn đã chuyển nhượng mảnh đất này cho con trai của chị gái bạn với lý do là bị cưỡng ép. Nếu có căn cứ chứng minh bố bạn bị cưỡng ép, đe dọa ký hợp đồng tặng cho mảnh đất này cho cháu thì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng này vô hiệu.

 

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

 

Ngoài ra tại Điều 131 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

Như vậy, khi có đầy đủ căn cứ để Tòa án tuyên bố hợp đồng trên vô hiệu thì người cháu của bạn có trách nhiệm phải trả lại mảnh đất tại Hải Phòng này và sau đó mảnh đât này sẽ được dùng để chia thừa kế theo pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo