Nguyễn Văn Cảnh

Tư vấn về thủ tục tách sổ hộ khẩu sau ly hôn

Em ly hôn và đang nuôi con nhưng chồng không phụ cấp thì em không cho rước con về nhà nội chơi có vi phạm luật không?
Thứ hai em nhờ luật sư tư vấn giúp em là em muốn cắt khẩu cho em và con khỏi hộ khẩu bên chồng nhưng gia đình chồng chỉ đồng ý cho em cắt khẩu còn con em thì không cho, nhiều lần em hỏi mượn sổ hộ khẩu để bổ sung hồ sơ đi làm thì mẹ chồng không cho và giờ biết em muốn cắt khẩu cho con thì cũng lấy lí do cũ nói là anh chồng lấy làm công việc vì anh chồng là công an, trước đó cũng vậy, nếu bên chồng không đồng ý cắt khẩu cho con em thì em làm thủ tục cắt khẩu cho con được không ạ và có quyền cắt khẩu không? nhờ luật sư hồi đáp sớm giúp em vì em đang chờ kết quả từ công an là có được cắt khẩu 2 mẹ con hay không?

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

*Về vấn đề cấp dưỡng:

Căn cứ theo khoản 2, 3 điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Như vậy, nếu chồng bạn không cấp dưỡng cho con bạn theo mức cấp dưỡng ghi trong bản án, quyết định của tòa án thì bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án.

Trường hợp hai vợ chồng tự thỏa thuận mức cấp dưỡng mà người chồng không thực hiện cấp dưỡng thì bạn có thể làn đơn gửi tòa án để tòa án yêu cầu người chồng thực hiện cấp dưỡng như trong thỏa thuận.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái là trách nhiệm của cả hai người ngay cả khi ly hôn nên chồng cũ của bạn vẫn có quyền thăm nom con cái mà bạn không được cản trở trừ trường hợp “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Khi đó bạn có thể yêu cầu tòa án hạn chế  quyền thăm nom con của người đó.

Về vấn đề tách sổ hộ khẩu:

Điều 27 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về việc tách sổ hộ khẩu như sau:

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tuy nhiên, bạn và con bạn có thể đăng ký thường trú tại nơi cư trú mới. Khi đó không cần sự đồng ý của gia đình chồng, bạn vẫn thực hiện được thủ tục này.

Đối với việc gây khó khăn cho việc tách sổ hộ khẩu:

Khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT- BCA có quy định:

“ Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, nếu mẹ chồng bạn cố tình gây khó dễ thì có thể bị xử lý tùy hành vi cụ thể.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thủ tục tách sổ hộ khẩu sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV Lương Duyên- Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo