LS Xuân Thuận

Thủ tục chuyển hộ khẩu khi không có sổ đỏ quy định thế nào?

Chào văn phòng, cho tôi hỏi về việc chuyển hộ khẩu như sau: Do điều kiện công tác xa nhà, Tôi có mua 1 mảnh đất vườn đã làm nhà ở, khi làm thủ tục nhập khẩu cán bộ xã có nói tôi không đủ điều kiện do không có đất ở hợp pháp. (Tôi chỉ chuyển khẩu trong địa bàn huyện X, Hà Nội). Vậy ngoài việc chờ cấp sổ đỏ đất ở có cách nào khác để tôi chuyển khẩu được không? (Gia đình tôi đã tạm trú 16 năm rồi)

1. Tư vấn thủ tục chuyển hộ khẩu khi không có sổ đỏ

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trường hợp gia đình bạn nếu muốn chuyển hộ khẩu thì chỉ cần một trong các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu mảnh đất nơi bạn đang sinh sống. Ở đây, không bắt buộc phải có sổ đỏ, cụ thể căn cứ Khoản 4 điều 29 Luật cư trú 2006 về điều chỉnh những thay đổi trong hộ khẩu :

“4. Trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục điều chỉnh phải nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; xuất trình sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới”.

Mặt khác theo Khoản 1 điều 6 nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú:

"1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);

- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);

- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;

- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó”.

Như vậy, nếu muốn chuyển hộ khẩu không bắt buộc phải có sổ đỏ mà chỉ cần bạn chứng minh được mảnh đất đang sinh sống thuộc quyền sở hữu của bạn, có giấy chứng nhận đã mua mảnh đất đó trước đây để được làm thủ tục nhập hộ khẩu theo đúng quy định.

----

2.  Điều kiện nhập khẩu vào nơi ở mới quy định thế nào?

Câu hỏi:

Xin chào Quý luật gia !Tôi năm nay 36 tuổi đã ly hôn tháng 04/2016 nhưng chưa làm thủ tục tách khẩu. Sắp tới tôi sẽ kết hôn lần 2 và chuyển ra ở trọ cùng người vợ mới. Tôi và vợ cũ đã có 1 đứa con gần 6 tuổi và hiện tại người vợ mới của tôi lại đang mang thai. Vậy tôi cần phải làm những thủ tục gì và trình tự thực hiện như thế nào ạ? Rất mong sớm nhận được sự tư vấn và hồi đáp của quý luật gia. Trân trọng cảm ơn ! 

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:

Theo thông tin anh cung cấp thì anh đã ly hôn nhưng chưa làm thủ tục chuyển khẩu, sắp tới anh kết hôn lần 2 và có thay đổi địa chỉ cư trú. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều  23 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013):

"1. Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

2. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện việc thay đổi nơi đăng ký thường trú”.

Căn cứ Điều 19, 20 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013):

Điều 19. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;

c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.

- Trường hợp anh đăng ký thường trú tại các tỉnh thì cần có chỗ ở hợp pháp, trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì cần có sự đồng ý bằng văn bản của người cho thuê, mượn, ở nhờ.

- Trường hợp anh đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương thì cần thuộc một trong các trường hợp nêu tại Khoản 1, 2, 3, 4 và đồng thời đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 5, 6 Điều 20 nêu trên.

Trình tự, thủ tục nhập khẩu vào nơi ở mới anh tham khảo bài viết:  Đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo