Phương Thúy

Tư vấn về thẩm tra lý lịch

Hiện tại em có quen bạn trai làm công an. Trước hết là về việc thẩm tra lý lịch trước khi kết hôn. Bạn trai của em nói hiện nay người ta chỉ xét 2 đời: đời em và bố mẹ em. Nhưng ngày xưa ông nội em làm lính cho Ngụy một lần đã chỉ điểm cho Ngụy một hầm việt cộng gần nhà để nhiều người bị giết. Vậy khi thẩm tra chuyện đó có bị đưa ra không ạ.Thứ hai là nếu em vào Đảng thì có được xét lý lịch chỉ 2 đời đúng không ạ?


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty chúng tôi xin tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, vấn đề thẩm tra lý lịch kết hôn với công an
 
Đối với trường hợp của bạn, để có thể kết hôn với bạn trai làm ngành công anh thì bạn cần đáp ứng đủ những điều kiện sau đây:
 
Về Luật hôn nhân và gia đinh 2014, phải có các điều kiện sau:
 
Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Ngoài ra, khi xét kết hôn với công an thì cần thẩm tra lý lịch 3 đời:

Các điều kiện cơ bản không lấy chồng (vợ) công an:

1. Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, Nguy quân, Ngụy quyền

2. Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù.

3. Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành...

4. Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa.

5. Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch)

Ngoài ra còn một số các quy định khác nhưng cũng tùy thuộc vào từng địa phương.

Như vậy, bạn có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của bạn để xác định mình có thuộc nhóm đối tượng được phép kết hôn với Công an hay không.
 
Thứ hai, về thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng viên

Căn cứ theo Điểm 3.1 Điều 3 Hướng dẫn số 01/TW ngày 5/1/2012 của Ban bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định:

3.4- Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :

- Người vào Đảng.

-       Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

b)     Nội dung thẩm tra

-       Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

-      Đối với người thân : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c)     Phương pháp thẩm tra

- Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên : cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng). Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi các cấp uỷ cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.

-      Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn...) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi uỷ báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp uỷ cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.

-     Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.

-    Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp uỷ cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.

-     Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp uỷ nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp uỷ hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng uỷ Ngoài nước) để lấy xác nhận; trường hợp có nghi vấn về chính trị thì đến cơ quan an ninh ở trong nước để thẩm tra.

-     Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp uỷ cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này
.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thẩm tra lý lịch. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

 
Chuyên viên Hoàng Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo