Nông Bá Khu

Không giao con cho mẹ nuôi sau ly hôn có phạm tội không?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi và vợ đã ly hôn từ tháng 07/2015. Khi ly hôn không có vấn đề tranh chấp tài sản nhưng tòa đã xử vợ tôi nuôi con (khi ly hôn con dưới 36 tháng tuổi). Tôi không đồng tình với quyết định của tòa nhưng lại không kháng cáo.

Quá thời hạn kháng cáo nhưng tôi không giao con cho vợ cũ mà vẫn giữ con để chăm sóc vì khi bỏ đi vợ tôi đã để con lại cho tôi. Sau đó vợ tôi đốc cơ quan thi hành án thực hiện quyết định của tòa là giao con cho cô ấy, tôi kiên quyết không thi hành bản án. Sau nhiều lần thi hành án không thành, nay cơ qua thi hành án đã chuyển qua cơ qua công an điều tra. Vậy xin hỏi luật sư với mứa độ sai phạm của tôi thì pháp luật hiện hành quy định như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Theo Điều 83 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Do bản án đã có hiểu lực nên nếu thực sự có căn cứ chứng minh rằng người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì bạn có thể làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đến Tòa án nhân dân nơi đã giải quyết việc ly hôn của 2 bạn. Để Tòa án xem xét giao cháu cho bạn nuôi dưỡng.

Như vậy, khi bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo đó quyền nuôi con được giao cho người mẹ, thì bạn có nghĩa vụ giao con cho người được Tòa án chỉ định có quyền nuôi dưỡng. Nếu bạn không tự nguyện chấp hành thì Cơ quan Thi hành án sẽ tiến hành việc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 120 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.

“1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.

Tuy nhiên, bạn đã có hành vi cố tình chống đối việc thi hành án, do vậy tùy vào mức độ vi phạm, bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự về Tội không chấp hành án

“Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...”.

Trên đây là nội dung tư vấn về Không giao con cho mẹ nuôi sau ly hôn có phạm tội không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo