Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về quyền hưởng di sản thừa kế của cá nhân ngoài di chúc

Trong nhà em, hiện tại ba em là người đứng tên sổ đỏ. Ba Mẹ em đang bất hoà. Vậy nếu khi Ba mất Ba lập di chúc để lại tài sản cho anh em ruột của Ba (Cô và Bác của em) nhưng không để lại cho vợ, con. Vậy thì nếu di chúc đó hợp lệ thì Mẹ và em có được hưởng thừa kế không hay sẽ phải tuân theo di chúc?

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do bạn mới chỉ nêu bố bạn là người đứng tên trong sổ đỏ, tuy nhiên lại không nêu sổ đỏ này thuộc tài sản chung của bố mẹ bạn hay chỉ của riêng bố bạn. Do đó, chúng tôi xin được chia hai trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất: sổ đỏ bố bạn đứng tên là tài sản riêng của bố bạn

 

Theo Điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

 

 “1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

 

Do tài sản là tài sản riêng của bố bạn nên theo quy định của pháp luật, bố bạn có toàn quyền trong việc định đoạt số tài sản. Pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015 được quyền lập di chúc. Theo đó, tại Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

Người lập di chúc có quyền sau đây:

 

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

 

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

 

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

 

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

 

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

 

Như vậy, trong trường hợp người để lại di sản có di chúc để lại và di chúc này là hợp pháp, thì việc chia di sản thừa kế của người đó phải tuân theo di chúc. Người thừa kế trong trường hợp này là người được chỉ định trong di chúc.

 

Tuy nhiên, tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng đồng thời quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo đó, tại Điều luật này quy định:

 

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

 

Căn cứ theo quy định tại các điều luật này thì trong trường hợp bố của bạn để lại di chúc chỉ định chỉ bác và cô của bạn là người thừa kế thì cô và bác của bạn sẽ là người thừa kế theo di chúc.Mẹ của bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự đã nêu trên.Bạn cũng sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế bằng mẹ của bạn nếu cho đến thời điểm mở thừa kế (thời điểm bố bạn mất)  bạn là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) hoặc là đã thành niên mà không có khả năng lao động.

 

Trường hợp thứ hai: sổ đỏ mà bố bạn đứng tên là tài sản chung của bố mẹ bạn

 

Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết như sau:

 

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

 

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

 

3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.”

 

Trong trường hợp này bố của bạn không có toàn quyền quyết định đối với phần tài sản này, mà chỉ có quyền đối với một nửa số tài sản đó. Và phần di sản mà bố của bạn để lại sẽ được chia như ở trường hợp thứ nhất. Tức là mẹ của bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, và bạn sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế bằng mẹ của bạn nếu cho đến thời điểm mở thừa bạn là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) hoặc là đã thành niên mà không có khả năng lao động.


Trân trọng!
CV Nguyễn Thanh Quý – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo