Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu chung

Gia đình tôi sống ở tầng 2 khu nhà cổ gồm 4 hộ sinh sống . Mỗi gia đình tôi có sổ đỏ tù 2007 đề nhà cấp hạng II, số tầng 2/2, nóc nhà là sở hữu chung của 4 hộ .

Ngày xưa các cụ sống ở đây ( nay đã mất hết ) ký giấy cho con của 1 cụ sống trong số nhà đó , được sinh hoạt trên nóc nhà . Nay họ mua bán trao tay cho người khác , người mua phá dỡ mái , nối tường cho cao định xây 2 tầng , gia đình tôi không đồng ý. Xin hỏi luật sư : Giấy viết tay có chữ ký của các cụ ngày xưa ( khoảng năm 96) cho người sinh hoạt trên nóc nhà là khoảng không sở hữu chung của 4 hộ , có giá trị không?
 
Tư vấn về quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu chung
Định đoạt tài sản sở hữu chung

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Do việc sử dụng nóc nhà từ thời điểm 1996 nên sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005.

Về sở hữu chung theo phần

Theo như bạn trình bày thì khu nhà cổ này được 4 hộ gia đình sinh sống, tuy thời điểm sinh sống chưa được cấp sổ đỏ (đến năm 2007 mới được cấp) nhưng việc sử dụng là không trái với quy định và không có tranh chấp phát sinh giữa các bên nên khu nhà này được coi là tài sản chung và thuộc sở hữu chung của 4 hộ gia đình. Cụ thể trong trường hợp này là sở hữu chung theo phần quy định tại điều 231 Bộ luật dân sự năm 2005:
 
"1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác".

Đối với phần diện tích sử dụng theo phần này, mỗi gia đình có quyền sử dụng, định đoạt riêng mà không cần phải có sự đồng ý của bất kì người nào trừ trường hợp việc sửa chữa, cải tạo có ảnh hưởng đến những hộ gia đình xung quanh theo quy định tại khoản 1, điều 237 BLDS 1995:

"1.Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật".
 
Về định đoạt tài sản chung

Tuy diện tích ngôi nhà là sở hữu chung theo phần và được thuộc định đoạt riêng của mỗi hộ gia đình nhưng phần nóc ngôi nhà là phần diện tích thuộc sở hữu chung, do đó quyền định đoạt phần diện tích phải tuân theo quy định tại khoản 2, điều 237 Bộ luật dân sự 1995 về định đoạt tài sản chung:

"2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật".

Vì vậy, nếu như các cụ đã có thỏa thuận bằng văn bản đồng ý cho một người sử dụng phần nóc nhà đó thì thỏa thuận đó là hợp pháp và việc sử dụng nóc nhà của người đó được pháp luật công nhận.

Về việc mua bán, tháo dỡ nóc nhà

Do đây là tài sản chung như đã nói ở trên nên việc mua bán, sửa chữa, định đoạt phần nóc ngôi nhà này phải được sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu. Thỏa thuận trước đây chỉ có hiệu lực pháp luật về việc sử dụng phần nóc nhà vào đích để ở chứ không có thỏa thuận về việc người này có thể mua, bán; cơi nới phần diện tích này. Vì vậy, việc mua bán, cơi nới này hoàn toàn trái pháp luật vì không có sự đồng ý của các đồng sở hữu.

Vì vậy, khi có sự vi phạm về quyền sử dụng phần diện tích này, bạn và các đồng sở hữu khác có quyền làm đơn đến UBND xã, phường để đề nghị người kia chấm dứt hành vi vi phạm của mình.

Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dận cấp huyện tại địa phương.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo