Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về quyền có lối đi và việc phân chia di sản thừa kế

Luật sư tư vấn về quyền có lối đi đối với chủ sở hữu có bất động sản liền kề và thời hiệu phân chia di sản thừa kế khi một trong những người thừa kế có ý định chiếm giữ luôn phần tài sản đó.

 

Chào luật sư, tôi được biết về thông tin tư vấn luật online cho người dân, tôi thực sự rất vui và cám ơn, mong luật sư có thể hỗ trợ tư vấn giúp tôi trường hợp của gia đình nhằm để tham khảo hướng giải quyết cụ thể. Sau đây, tôi xin trình bày cụ thể : Trước đây, nhà tôi và nhà ngoại tôi ở cạnh nhau, có sử dụng chung 1 con đường ( muốn đến nhà tôi thì phải đi ngang nhà ngoại). Nhân đây, tôi xin kể sơ về hoàn cảnh phức tạp ở đây như sau : Ngoại tôi có 6 đứa con: mẹ tôi, cậu, 3 dì bị khuyết tật hiện do mẹ tôi chăm sóc, và 1 dì ở mỹ. Lúc đầu 3 dì khuyết tật do cậu nuôi dưỡng và sống tại nhà ngoại - nhưng bởi ích kỷ và tranh giành nên cậu tôi đã có hành động bỏ đói và đuổi 3 dì tôi ra ngoài. Thông qua chính quyền địa phương thì mẹ tôi được quyền chăm sóc các dì và cậu tôi chiếm luôn căn nhà từ đường( các dì tôi  có tên trên hộ khẩu) . Và gia đình tôi chuyển đến nơi khác sống. Thế nhưng, giờ căn nhà cũ ở cạnh nhà ngoại vẫn chưa chưa chuyển đồ hết, cần phải đi ngang qua nhà ngoại bởi chung đường. NHƯNG, có 1 lần tôi ghé qua thì thấy nhà lục tung lấy mất 1 phần tài sản là đồ gia dùng trong nhà ( hàng xóm đều nói cậu tôi lục lấy). Cậu tôi thì không cho ai đi vào phần đất của ông ấy, thế nên căn nhà của tôi bị tách biệt không có đường vào. Ông ấy coi nhà tôi là tài sản của ông ấy, muốn lấy gì thì lấy, còn hăm he đòi kiện chúng tôi vì tôi có cho 1 số đồ không cần dùng trong nhà để cho hộ dân nghèo hơn. Suốt ngày cậu tôi cứ dọa kiện và đặt điều nói xấu gia đình tôi ( mọi người đều gọi điện kể lại cho mẹ tôi). Nhà tôi không để tâm gì nhưng lâu ngày dần ảnh hưởng đến tâm lý mọi người, nhất là mẹ tôi, cứ nghĩ đến là phiền toái và không thể toàn tâm làm việc, ảnh hưởng đến việc làm. VÀ, giờ nhằm chấm dứt những việc như trên và ổn định cuộc sống, tôi mong luật sư giúp đỡ tôi có hướng giải quyết. Nhà tôi có nên nhờ hàng xóm làm chứng để tiếp tục sử dụng con đường chung đó, Hay nhờ chính quyền can thiệp phân chia đường không ạ. Giờ cậu tôi đang đứng tên hộ khẩu và có ý định đổi hộ khẩu và bỏ tên 3 người dì khuyết tật ra khỏi hộ khẩu. Nhằm chiếm hẳn nhà. Không biết việc này có thể không ạ, bởi nếu làm vậy thì 3 dì tôi sẽ không có hộ khẩu. Tôi mong nhận được ý kiến từ luật sư, tôi xin chân thành cám ơn.

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đế của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về việc giải quyết con đường đi đối với căn nhà của gia đình bạn

 

Căn cứ Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Quyền về lối đi qua như sau:

 

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

 

Như vậy, nếu không thỏa được với cậu bạn về lối đi đối với căn nhà nằm bao bọc trong đất của cậu thì mẹ bạn có thể viết đơn gửi lên Tòa án để yêu cầu cậu bạn mở cho một lối đi thuận tiện nhất. Nếu cậu bạn không thực hiện thì Tòa án sẽ áp dụng biện pháp thi hành án dân sự để buộc cậu bạn phải mở cho phần đất của bạn một lối đi phù hợp và thuận tiện.

 

Thứ hai, về vấn đề cậu bạn muốn làm sổ hộ khẩu mới cho gia đình

 

Nếu cậu bạn muốn làm sổ hộ khẩu mới và trong đó không có tên của ba dì thì phải làm thủ tục tách khẩu và 3 dì của bạn sẽ vấn nằm trong sổ hộ khẩu cũ, cậu bạn sẽ không có quyền tách hộ khẩu của ba dì trong hộ khẩu cũ vì quyền cắt hộ khẩu và đăng ký hộ khẩu thường trú là quyền của mỗi người.

 

Về phần căn nhà nếu trước khi mất ngoại bạn chưa tặng cho cậu bạn và khi mất không có di chúc thì khi ngoại mất đây vấn là di sản thừa kế và được chia đều cho tất cả các anh chị em, thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm như vậy bạn có thể căn cứ vào thời hạn này để xác định thời hạn khởi kiện phân chia di sản thừa kế trong trường hợp của gia đình bạn, nếu còn thời hiệu thì có thể khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ngoại để bảo vệ quyền lợi cho các dì và mẹ bạn khi cậu bạn có ý định chiêm luôn phần di sản do ngoại để lại. Thời hiệu khởi hiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

 

"1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

 

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."

 

Như vậy, khi hết thời hiệu phân chia di sản mà không có ai yêu cầu chia di sản thì di sản sẽ thuộc về cậu bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo