LS Xuân Thuận

Tư vấn về quản lý tài sản của người bị tâm thần

Câu hỏi: Luật sư cho hỏi về quản lý tài sản của ngườ tâm thần thế nào? Nội dung như sau: Trước đây bố mẹ A ly hôn và A được tòa xử cho bố nuôi, nhưng vì lý do bố của A có vấn đề về thần kinh nên mẹ A đã đưa A đi và nuôi đến bậy giờ. Bố A có 1 khối tài sản nhưng vì lý do bị thần kinh nên đã bán (vào năm 2008) và chuyển tiền vào tài khoản của người thân khác cách đây 10 năm. Trước khi bán bố A đã từng điều trị ở bệnh viện tâm thần.

 

Vậy luật sư cho hỏi, giờ A đủ 18 tuổi tôi có quyền đòi người thân của bố A công khai số tiền đã quản lý của bố A hay không. Nhờ luật sư tư vấn giúp. Cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trước hết, hiện không có quy định về quyền yêu cầu cá nhân công khai phần tài sản đang quản lý hộ người khác. Liên quan đến vấn đề này, Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự quy định:

 

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

 

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

 

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

 

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

 

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

 

Theo đó nếu sau khi ly hôn với mẹ bạn, bố bạn không tiếp tục kết hôn hợp pháp với người khác, bố bạn mất năng lực hành vi dân sự và bạn là con cả thì bạn là người giám hộ đương nhiên của bố bạn. Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 về quản lý tài sản của người được giám hộ quy định:

 

Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ

 

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

 

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

 

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

 

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Như vậy nếu bố bạn mất năng lực hành vi dân sự, bố gửi tiền vào tài khoản của bác theo diện nhờ gửi giữ tài sản, thì hiện với tư cách là người giám hộ của bố, bạn có trách nhiệm quản lý tài sản này của bố và có quyền yêu cầu bác công khai về tài sản này. Tuy nhiên cần lưu ý, "Người mất năng lực hành vi dân sự" theo định nghĩa tại Bộ luật Dân sự 2015 là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và đã bị Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Như vậy nếu bố bạn từng điều trị bệnh tâm thần nhưng chưa bị Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc đã từng bị tuyên nhưng quyết định này đã bị hủy bỏ thì dưới góc độ pháp luật, bố của bạn vẫn được xem xét là người có năng lực hành vi dân sự và như vậy không thể áp dụng các quy định trên.

 

Liên quan đến giao dịch dân sự do người không có khả năng làm chủ hành vi mà chưa bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự thực hiện, Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

 

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Theo đó với việc bố bán tài sản hoặc thực hiện gửi tiền cho bác vào thời điểm đang điều trị bệnh tâm thần, nếu bạn có bằng chứng chứng minh bố thực hiện giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên do thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa tuyên giao dịch này vô hiệu theo Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ có 2 năm kể từ thời điểm xác lập giao dịch, nên trường hợp này đã hết thời hiệu khởi kiện. Như vậy hiện gia đình không thể yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu với trường hợp này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quản lý tài sản của người bị tâm thần. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia Nguyễn Thúy Hạnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo