Trần Tuấn Hùng

Người giám hộ là gì? Giám hộ và đại diện khác nhau thế nào?

Chế định giám hộ điều chỉnh các quan hệ với mục đích nhằm khắc phục tình trạng không tương đồng giữa sự bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của những người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Những quy định của chế định này xác định việc quản lí tài sản, thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài sản của người được giám hộ. Ngoài ra, chế định giám hộ còn có những quy định mang tính hành chính như các quan hệ về cử người giám hộ, giám sát việc giám hộ…

1. Người giám hộ là gì?

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người giám hộ theo quy định của pháp luật dân sự phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể như sau:

Đối với người giám hộ là cá nhân thì phải đáp ứng được các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Đối với người giám hộ là pháp nhân thì phải đáp ứng các điều kiện sau: Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ; Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

2.Giám hộ và đại diện khác nhau thế nào?

Giám hộ và đại diện là hai khái niệm được quy định tại Bộ luật dân sự 2015, về cơ bản giám hộ và đại diện có sự khác nhau cơ bản như sau:

Thứ nhất, về khái niệm:

- Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

- Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Thứ hai, về căn cứ xác lập quan hệ:

- Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).

- Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Thứ ba, về đối tượng được giám hộ, đại diện:

Đối tượng được giám hộ bao gồm:

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

- Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

- Người mất năng lực hành vi dân sự;

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Đối tượng được đại diện bao gồm:

- Đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện; Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

- Đại diện theo ủy quyền khi cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện giao dịch.

Trên đây là những khác nhau cơ bản của đại diện và giám hộ, quý khách hàng có thể tham khảo. Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo bài viết tư vấn về nội dung câu hỏi dưới đây của Luật Minh Gia

3. Tư vấn nội dung câu hỏi về vấn đề giám hộ theo quy định?

Nội dung tư vấn: Luật sư cho hỏi trường hợp người con mất đi, những người được hưởng tài sản bao gồm:cha,mẹ,vợ. Nếu người thừa kế là cha đã già yếu, không đủ minh mẩn để ký phân chia tài sản thì phải làm thế nào để giải quyết? Theo điều luật nào? Quy định cụ thể thế nào mong luật sư tư vấn. Tôi xin cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Bộ luật Dân sự 2015 quy định các vấn đề liên quan về Người giám hộ đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:

1. Người giám hộ đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định

 Trường hợp người cha đã già yếu, không đủ minh mẫn để ký kết phân chia di sản thừa kế thì sẽ thuộc trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại khoản 1 điều 23:

Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Do đó trong trường hợp này, người cha sẽ cần có người giám hộ để tham gia kí kết vào bản cam kết về việc phân chia di sản thừa kế theo quy định như sau:

- Việc cử, chỉ định người giám hộ:

Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật này. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ (theo quy định tại khoản 4 điều 54).

Ở đây do thông tin câu hỏi mà bạn cung cấp không nêu rõ là người mẹ có bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có đủ điều kiện làm người giám hộ hay không nên dẫn chiếu theo quy định tại điều 53 của Bộ luật này, sẽ có 2 trường hợp như sau:

+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

- Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

 Điều 57 quy định như sau:

1. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

b) Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

c) Quản lý tài sản của người được giám hộ;

d) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có nghĩa vụ theo quyết định của Tòa án trong số các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

2. Thủ tục đăng kí giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định

Khi có đủ căn cứ người cha do thể chất già yếu, tinh thần không đủ minh mẫn, thuộc trường hợp không đủ khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi thì có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người cha có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ. 

Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch (khoản 3 điều 46)

Theo quy định tại điều 20 Luật Hộ tịch năm 2014 về thủ tục đăng ký giám hộ cử như sau:

- Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

 - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo