LS Xuân Thuận

Tư vấn về nghĩa vụ trả nợ trường hợp người vay nợ qua đời

Năm 2010, cha mẹ tôi có ký Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất tại ngân hàng và có công chứng tại UBND phường để vay số tiền 500 triệu để làm vườn nhưng không thực hiện làm vườn. Cha tôi đã giả chữ ký của mẹ tôi (họ tên được đánh máy) làm Hợp đồng tín dụng với ngân hàng và giấy nhận nợ chỉ có một mình cha tôi ký.

 
Đến năm 2012, cha tôi chết không lâu thì nhận được thông báo đòi nợ của ngân hàng, do không có khả năng trả nên ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu trả nợ gốc 500 triệu và 700 triệu tiền lãi. Tòa án đã mời gia đình lên hòa giải, mẹ tôi cũng có cam kết trả nợ thay cho cha tôi, nhưng số tiền trên thật sự quá lớn đối với khả năng của gia đình nên không thể trả nổi.
 
Giờ ngân hàng tiếp tục khởi kiện buộc mẹ tôi phải trả toàn bộ số tiền trên nếu không sẽ phát mãi tài sản. Nếu như bị phát mãi tài sản thì gia đình tôi biết sống ở đâu? Vậy tôi xin hỏi:
 
1. Việc cha tôi giả chữ ký của mẹ tôi và họ tên của mẹ thì được đánh máy có đúng không?
 
2. Giấy nhận nợ chỉ có một mình cha tôi ký mà không có chữ ký của mẹ tôi có đúng không? Nếu ra Tòa thì căn cứ vào đó gia đình tôi có bị phát mãi tài sản không?
 
Xin Công ty luật Minh Gia giải đáp dùm. Xin thành thật cảm ơn!
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Về việc cha bạn giả chữ ký của mẹ bạn, Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa:
 
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
 
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó…”
 
Theo đó, nếu gia đình có thể chứng minh được cha bạn đã giả chữ ký của mẹ bạn thì có thể kiện yêu cầu Tòa tuyên hợp đồng có chữ ký giả mạo này là vô hiệu do có yếu tố lừa dối. Sau khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nghĩa là, nếu cha bạn đã nhận của ngân hàng số tiền 500 triệu thì sẽ phải hoàn trả lại cho ngân hàng số tiền 500 triệu. Với trường hợp cha bạn đã qua đời, Điều 637 Bộ luật Dân sự 2005 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại quy định:
 
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.
 
3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
 
Như vậy, nếu cha mẹ bạn cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này, thì sau khi cha bạn mất, một nửa mảnh đất này sẽ có thể được tính là di sản của cha bạn và được dùng để trả các khoản nợ do cha bạn đứng tên, phần tài sản của mẹ bạn sẽ không thể bị phát mãi. Đối với trường hợp này sẽ có 2 tình huống:
 
(1) Gia đình và ngân hàng thỏa thuận bán căn nhà thì gia đình sẽ phải hoàn trả cho ngân hàng số tiền mà cha bạn đã nhận nhưng số tiền không vượt quá giá trị phần tài sản chưa cha bạn; hoặc
 
(2) Gia đình và ngân hàng thỏa thuận để gia đình tiếp tục sinh sống trong căn nhà hiện tại thì gia đình sẽ phải trả cho ngân hàng khoản tiền tương ứng số tiền cha bạn đã nhận của ngân hàng nhưng cũng không vượt quá giá trị phần tài sản của cha bạn.
 
Tuy nhiên, nếu trong phiên hòa giải mẹ bạn đã cam kết trả nợ thay cho cha bạn và Tòa đã ra quyết định công nhận thỏa thuận này thì hiện mẹ bạn sẽ phải đứng ra trả nợ và tài sản của mẹ bạn có thể bị phát mãi nếu không thỏa thuận được với phía ngân hàng. Trong trường hợp này, tốt nhất gia đình nên cố gắng thỏa thuận với phía ngân hàng để trả thành nhiều lần hoặc trả chậm.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về nghĩa vụ trả nợ trường hợp người vay nợ qua đời. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv Nguyễn Thúy Hạnh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo