Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn về khởi kiện đối với hành vi chậm trễ trả lại khoản tiền vay theo giao dịch dân sự

Em có quen biết 1 người qua bác, người ấy muốn môi giới việc làm cho em . Em đã đưa 100 triệu cho người ấy và có giấy tờ . Trong giấy tờ ghi là vay của em 100 triệu nếu không xin được việc thì trong vòng 15 ngày phải trả, nhưng đến nay đã hơn 1 năm mà vẫn không trả . Em đã đòi rất nhiều lần ngưng người đó toàn xin khất nhưng đến hẹn vẫn không trả .xin hỏi luật sư là nếu e muốn kiện thì có kiện được không , kiện về tội danh gì , và em phải đưa đơn kiện cho cơ quan nào .

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, về câu hỏi của bạn, tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 124 – Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo :

 

“ Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.”

 

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì hợp đồng vay tài sản của bạn và người nhận tiền có thể vô hiệu thảo quy định của Điều 124.

 

Bạn có cung cấp thông tin bạn đưa tiền để nhờ người này xin việc, vậy bản chất của hợp đồng đã xác lập không phải hợp đồng vay tài sản mà là hợp đồng thực hiện một công việc nhất định với nội dung pháp luật không cho phép, do đó hành vi này có thể đã cấu thành tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ. Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về các tội danh này như sau:

 

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

Theo đó, nếu mục đích mà bạn đưa số tiền hơn 100.000.000 đồng  để nhờ xin việc là hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; đồng thời người nhận tiền của bạn là người có chức vụ quyền hạn trong công ty thì sự kiện đưa tiền để xin việc có đủ căn cứ cấu thành tội nhận hối lộ (với người nhận tiền) và tội đưa hối lộ (với bạn). Tùy thuộc người nhận tiền của bạn là người có chức vụ quyền hạn hay chỉ là trung gian giao số tiền này cho một người có chức vụ quyền hạn khác mà người đó phải chịu trách nhiệm hình sự với tội nhận hối lộ hoặc đồng phạm của tội đưa hối lộ.

 

Do vậy, bạn không thể khởi kiện dân sự để đòi lại số tiền đã đưa mà phải báo cáo với cơ quan công an về hành vi của các bên để được can thiệp giải quyết. Về trách nhiệm pháp lý bạn phải gánh chịu, Bộ luật Hình sự có quy định tại Khoản Điều 364 như sau:

 

Điều 364. Tội đưa hối lộ

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Theo đó, nếu bạn thành khẩn khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về khởi kiện đối với hành vi chậm trễ trả lại khoản tiền vay theo giao dịch dân sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV Hằng Nga - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo