LS Hoài My

Tư vấn về hưởng thừa kế theo di chúc của ông nội

Văn phòng luật cho tôi hỏi về trường hợp hường thừa kế theo di chúc của ông nội như sau: Ông nội tôi có ý định chia cho tôi 1 mảnh đất. Song họp gia đình các con của ông (gồm bố, các cô, chú của tôi) nói là: ông chỉ có trách nhiệm với các con tức bố, các cô, chú của tôi còn bố, các cô, chú có trách nhiệm với con cái.

 

Cho nên trong di chúc của ông nội tôi ghi rõ tạm thời giao toàn bộ diện tích lô đất trên cho bố tôi quản lý. Sau này bố tôi có trách nhiệm chia cho tôi được hưởng thừa kế. Nhưng bố mẹ đẻ của tôi đã ly hôn 34 năm nay, bố tôi đã lấy vợ và có 2 con, tôi sống với mẹ 37 năm nay mà bố tôi không ngó ngàng, chu cấp hỗ trợ mẹ tôi tiền nuôi dưỡng tôi. Hiện nay, ông nội tôi đã viết di trúc như trên nhưng bố tôi không thông báo cho tôi biết. Vậy xin hỏi Luật Sư trong trường hợp của tôi sau này có được hưởng thừa kế theo đúng di nguyện của ông nội tôi để lại? Trường hợp ông nội tôi đã lập di chúc mà ông còn sống có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Bản Di chúc trên cho phù hợp được không để tránh tình trạng xảy ra tranh chấp sau này không?

 

Trả lời.

 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

 

Thứ nhất là về việc bạn có được hưởng thừa kế theo đúng di nguyện của ông.

 

Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc như sau:

 

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

 

Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền của người lập di chúc như sau:

 

“Người lập di chúc có các quyền sau đây:

 

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

 

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

 

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

 

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

 

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

 

Điều 617 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau:

 

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

 

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

 

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

 

c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;

 

d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

 

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

…”

 

Với trường hợp của bạn nếu trong di chúc của ông nội bạn ghi rõ tạm thời giao toàn bộ diện tích lô đất trên cho bố bạn quản lý và sau này bố bạn có trách nhiệm chia cho bạn thì sau khi ông bạn chết bạn sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế như ông bạn đã ghi trong di chúc. Vì vậy, việc bố bạn không chia cho bạn được hưởng thừa kế là trái với quy định của pháp luật.

 

Thứ hai là về việc sửa đổi, bổ sung di chúc.

 

Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc như sau:

 

“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

 

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

 

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”

 

Căn cứ vào quy định trên thì nếu ông nội bạn còn sống thì ông nội bạn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế bản di chúc đã lập trước đó vào bất cứ lúc nào.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về hưởng thừa kế theo di chúc của ông nội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Cv. Tú Hiền – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo