Triệu Lan Thảo

Tư vấn về hình thức xử phạt và lỗi thuộc về bên nào khi vi phạm giao thông

Em xin chào các anh(chị) bên văn phòng luật sư của Công ty Luật minh Gia ạ.Thưa anh(chị) em có một câu hỏi nhỏ muốn được anh(chị) tư vấn ạ. Hôm qua(10/08/2016) em gái của em(T) có va chạm xe máy với một ô tô bán tải 7 chỗ ngồi ạ.

Và người bị thương nặng là T. Còn phương tiện của bên kia chỉ bị xây xát một chút. Theo lời kể của bạn T( người cùng đi trên xe của T) thì lúc giao nhau chỗ ngã tư, đoạn đường cũng vắng người, cả hai đang đi với tốc độ khá nhanh, lúc đến đoạn ngã tư ô tô đó lao ra mà không có còi xe và khi gần lao vào hai bạn đó rồi người điều khiển ô tô đó cũng không hãm phanh lại. khi vụ va chạm xảy ra thì Cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường, họ đo đạc và đưa cả xe ô tô, xe máy về đồn. Do anh lái xe ô tô này là người lái thuê cho một công ty nên mọi việc đều được người bên công ty kia giải quyết. Hôm nay(11/08) bên công ty kia có gọi cho gia đình nhà em nói rằng bên em phải bồi thường cho công ty đó vì do bên em cố tình lao vào xe của họ. làm hư hại xe của họ. Trong khi mọi lời khai chưa có căn cứ chính xác, hơn nữa tình trạng sức khỏe của em gái em vẫn còn chưa ổn. Vậy em muốn hỏi anh(chị) là trong trường này lỗi hoàn toàn thuộc về bên nào? và hình thức xử phạt là như thế nào ạ? Em rất mong nhận được hồi âm của anh(chị) sớm. Em cảm ơn ạ!

 

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

 

Thứ nhất, xác định lỗi.

 

Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau như sau:

 

Điều 24. Nhường đường tại nơi đường giao nhau

 

"Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới".

 

 

Như vậy nếu một trong hai bên vi phạm quy định tại Điều 24 thì lỗi sẽ thuộc về bên đó. Cũng có thể lỗi sẽ thuộc về cả hai bên nếu cả hai đều vi phạm các quy định của luật giao thông đường bộ.

 

Tuy nhiên câu trả lời tư vấn của chúng tôi chỉ là ý chí chủ quan dựa trên những thông tin bạn cung cấp, việc xác minh lỗi một cách chính xác phải dựa trên kết quả điều tra của cơ quan công an.

 

Thứ hai, các hình thức xử phạt đối với vi phạm hành chính.

 

Trách nhiệm hành chính đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật mà hành vi đó chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

“Khoản 1, Điều 21. Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về các hình thức xử phạt bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật; phương tiện vi phạm hành chính)

đ) Trục xuất”.

 

Bạn có thể xem  “Nghị Định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” để biết về các mức xử phạt cụ thể .

 

Như vậy cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật để áp dụng các hình phạt cụ thể.  Trong trường hợp của bạn cần phải chờ kết luật chính xác từ phía cơ quan công an. 

 

Nếu lỗi thuộc về bên người điều khiển ô tô thì bạn có thể yêu cầu bên công ty của người đó bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định căn cứ xác định thiệt hại về sức khỏe như sau:

 

"Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

1.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

a) Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khoẻ nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khoẻ bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS.

b) Xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được thực hiện như sau:

Bước một:Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng số thu nhập là bao nhiêu.

Bước hai:Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 này. Nếu không có khoản thu nhập thực tế nào của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất; nếu thấp hơn thì khoản chênh lệch đó là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất.

1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

- Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

a) Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

b) Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

            a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.

            b) Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…

            c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường".

 

 Như vậy bạn có thể căn cứ vào những quy định trên để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về hình thức xử phạt và lỗi thuộc về bên nào khi vi phạm giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!

Yến Chi - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo