Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về đòi lại tài sản đã vay qua nhiều năm

Kính gửi luật sư ạ. Cháu mong luật sư giúp cháu .Cháu sinh năm 1995 . Vừa rồi có nhân viên ngân hàng đến nói là năm 1994 bố cháu có vay vốn 5 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng.

Mà năm 2013 bố cháu đã mất, không để lại tài sản gì cho mẹ con cháu ạ. Trên giấy tờ có tên của mẹ cháu . Nhưng mẹ cháu không hề biết đến khoản vay nợ trên ạ. Chữ kí không phải chữ kí của mẹ cháu. Giờ bên ngân hàng muốn mẹ cháu trả số tiền gốc và trả dần số lãi. Bên đó dọa sẽ mời lên ủy ban để làm việc ạ. Vậy cháu muốn hỏi cháu và mẹ có quyền và trách nhiệm gì trong việc này không ạ ? Mẹ cháu có phải trả số nợ đó không ? Khi mà mẹ cháu không biết đến số nợ đó và không đúng chữ kí . Hơn 20 năm rồi mà ngân hàng mới đến đòi đúng luật không ạ ?mong nhân được sự tư vấn của luật sư . Cháu cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quan hệ vay tài sản

Vay tài sản là 1 giao dịch dân sự được quy định tại điều 471 Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 471. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định".


Trường hợp này, hợp đồng là giao dịch dân sự giữa 2 cá nhân thể hiện bằng văn bản, nếu mẹ bạn không hề vay tiền của Ngân hàng (không ký tên trên hợp đồng) thì đương nhiên không phải trả lại khoản tiền đã vay nợ trên. Khi xảy ra tranh chấp có thể phải giám định chữ ký để xác định mẹ bạn có ký tên trên hợp đồng vay tiền hay không?

Thứ hai, về quan hệ trả nợ của bố bạn 

Tuy bố bạn đã chết nhưng những người thừa kế di sản của bố bạn sẽ phải có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ cho ngân hàng dựa trên di sản mà bố bạn để lại theo quy định tại điều 683 Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4. Tiền công lao động;

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

7. Tiền phạt;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

10. Các chi phí khác".


Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện trả lại tài sản

Trường hợp này việc đòi lại tài sản (nếu có căn cứ) không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo điều 23 nghị quyết số: 03/2012/NQ-HĐTP:

"Điều 23. Về thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 159 của BLTTDS

3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất)thì giải quyết như sau:

b) Đối với tranh chấp 
về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự 
thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện".

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về đòi lại tài sản đã vay qua nhiều năm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

     
Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo