Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về đòi lại nhà ở đã cho người khác ở nhờ một thời gian dài

Luật sư tư vấn về vấn đề bố mẹ xây nhà ở trên đất của ông bà và cho dì vào ở cùng, nay bố mẹ đã mất hết và có phát sinh tranh chấp liên quan đến căn nhà trên. Nội dung tư vấn như sau:

 

Em có vấn đề nhờ luật sư tư vấn giúp em? Nhà em có bốn người (Ba, Mẹ, Anh trai và Em). Trước đây, Ông bà ngoại có hứa cho ba mẹ em phần đất ngang 08m x dài 50m. Năm 2004, Ba mẹ em đổ đất xây một căn nhà cấp 4 trên phần đất này làm chổ ở, buôn bán để sinh sống. Năm 2005 dì là em của mẹ vào sống chung nhà sau đó có chồng và sinh con ở đây, Năm 2006 mẹ bị tai nạn giao thông mất là em được 14t và anh em được 16t, Lúc đó ba không thể ở nhà đó được do dì nói anh rể và em dâu không thể ở chung nên bên nội em mới xây một căn nhà cho ba ở trên phần đất khác. Đến năm 2012 ba bị bệnh qua đời thì xong đám tang ba tụi em mới mang hình ba về thờ chung với mẹ. dì em đã ly hôn người chồng trước và năm 2017 dì mới cưới người chồng mới vào ở nhà của ba mẹ em xây. Tụi em không thuận với dì nên 2 anh em mỗi người làm việc một nơi, không ở nhà được. Đến nay em đi hỏi vợ mà dì em lại giăng xào đồ ngang nhà và những đồ em cúng cho ba mẹ dì đem đổ hết. em vô nhà nói chuyện thì cứ nói em mất dại và đòi đánh em thôi, tụi em chỉ thương ông bà, quyết định do ông bà mà bây giờ ông bà lớn tuổi nên chỉ nghe lời dì thôi. Anh trai em thì thương ông bà nên không muốn thưa kiện sẽ làm ông bà buồn, Nên em cần đến luật sư để tư vấn giúp em, xem em cần làm gì? Em kiện dì em thì sẽ như thế nào? Mong luật sư giải đáp giúp em nhé.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi chia thành các trường hợp sau:

 

Trường hợp thứ nhất, dù chưa phải chủ sở hữu mảnh đất dựa trên hợp đồng tặng cho nhưng bố mẹ bạn có giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà được xây vào năm 2005 (lúc này chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là người sử dụng đất ở).

 

Bố mẹ bạn mất không để lại di chúc, căn nhà này được xác định là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm ông bà bạn và hai anh em bạn.

 

Lúc này những người thừa kế có thể phân chia di sản. Anh em bạn sẽ được hưởng cả căn nhà nếu ông bà từ chối nhận di sản hoặc thỏa thuận được rằng bạn sẽ đền bù cho ông bà một khoản tương đương với phần di sản mà ông bà được chia. Khi được chia cả căn nhà, bạn cần nhanh chóng sang tên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để có thể dễ dàng giải quyết các tranh chấp phát sinh.

 

Bạn là chủ sở hữu căn nhà nên có quyền yêu cầu dì bạn chuyển ra khỏi nhà, trường hợp người này không tự nguyện ra khỏi nhà thì bạn có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp hoặc nếu mức độ hành vi nghiệm trọng hơn thì có thể khởi tố với tội danh Xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự 2015:

 

“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

 

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

 

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

 

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.”

 

Trường hợp bố mẹ bạn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và dì bạn cũng đã sinh sống ổn định và lâu dài ở căn nhà này và bố mẹ bạn cũng đã mất thì việc đòi lại căn nhà là rất khó.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì dì bạn còn có lời nói không phải với anh em bạn, nếu có xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm thì tùy vào mức độ của lời nói và hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố hình sự, cụ thể:

 

Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính về an ninh trật tự -an toàn xã hội quy định xử phạt hành chính với hành vi này như sau:

 

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

 

Bộ luật hình sự 2015 quy định tội danh với hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác như sau:

 

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

b) Đối với 02 người trở lên;

 

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

 

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo