Trần Phương Hà

Đổi họ trong giấy khai sinh thủ tục thế nào?

Thưa quý luật sư: em muốn quý luật sư tư vấn giúp em về thủ tục thay đổi họ, tên trong khai sinh ạ. Em xin trinh bày như sau: Từ nhỏ em hay ốm, theo tâm lý các cụ ngày xưa là em phải đổi họ và trở thành con nuôi của người khác thì em mới khỏe mạnh và bố mẹ đã gửi em cho ông bà cụ ngoại và đổi họ của em thành họ của ông bà ngoại.

Đến khi em lớn lên và học hết trung cấp chuyên nghiệp em vẫn mạng họ bên cụ ngoại, khi làm hồ sơ xin việc em cũng khai là con đẻ của bố em trước kia và kéo theo bố me đẻ của em thành họ của ông cụ ngoại. Giờ em muốn thay đổi họ của em. Và hiện em đã đi làm nhà nước được 2 năm muốn kết nạp Đảng. Khi thay đổi họ những văn bằng trước kia có mất giá trị không ạ. Thủ tục như thế nào? Cuối cùng em xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu từ vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Về điều kiện để thay đổi hộ tịch.

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định việc thay đổi hộ tịch như sau:

“Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.”

>> Tư vấn thủ tục thay đổi họ, tên, liên hệ: 1900.6169

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 có nội dung về quyền thay đổi họ như sau:

Điều 27. Quyền thay đổi họ

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;..."

Như vậy khi muốn thay đổi họ bạn phải cần có một trong các điều kiện quy định trên nếu bạn không có một trong các điều kiện trên thì sẽ không được chấp nhận việc thay đổi họ. Theo thông tin bạn cung cấp thì họ của bạn lấy theo họ của cụ ngoại tuy nhiên không rõ họ của cha mẹ có lấy theo họ cụ ngoại hay không. Đồng thời không rõ việc nhận nuôi con nuôi là chỉ phát sinh trên thực tế hay đã tiến hành nhận nuôi con nuôi theo trình tự thủ tục theo quy định. Nếu trường hợp nhận con nuôi hợp pháp mà thay đổi họ cho con từ họ của cha mẹ nuôi sang cha mẹ đẻ đây là căn cứ thay đổi họ cho bạn. Ngoài ra nếu trường hợp họ của cha mẹ bạn thay đổi thì họ của bạn cũng được thay đổi theo họ của cha mẹ.

2. Khi thay đổi họ những văn bằng trước kia có mất giá trị không?

Việc thay đổi, cải chính hộ tịch không làm mất giá trị của các bằng cấp, chứng chỉ trước đó.Vì vậy, sau khi có kết quả cải chính hộ tịch thì bạn sẽ xin xác nhận của cơ quan có thẩm quyền để làm các thủ tục đính chính các thông tin trên các bằng cấp, chứng chỉ trước đây. 

Sau khi thực hiện xong thủ tục cải chính hộ tịch, để có sự phù hợp, thống nhất giữa các giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến cá nhân bạn, bạn nên thực hiện việc đính chính, sửa đổi các giấy tờ có liên quan như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm, hồ sơ lý lịch để có sự thống nhất và phù hợp giữa các giấy tờ tuỳ thân…

3. Thủ tục thay đổi hộ tịch.

Về thẩm quyền thay đổi hộ tịch theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch 2014 “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch  cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.”

Thủ tục thay đổi hộ tịch của UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 28 Luật hộ tịch 2014:

1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.”

Như vậy hồ sơ cần nộp để thay đổi hộ tịch cần những giấy tờ sau:

+ Tờ khai (theo mẫu quy định).

+ Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

+ Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật Dân sự trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo