Trần Diềm Quỳnh

Tư vấn về điều kiện di chúc có hiệu lực pháp luật

Chào luật sư, nhờ văn phòng tư vấn giúp tôi trường hợp khiếu nại giải quyết tranh chấp di sản thừa kế và yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu như sau: Bố mẹ tôi năm nay 90 tuổi (đã già yếu) và có 7 người con (5 trai và 2 gái). Cách đây 8 năm đã chia cho người con thứ 5 được 1/3 số đất đã sang tên.

Cách đây 3 năm cũng chia cho người con trai út 1/2 số đất đã sang tên nhưng anh em tôi không đồng thuận, không nhất trí. Hiện tại còn 1/3 số đất để bố mẹ tôi ở và sau này để chỗ thờ cúng. Nhưng người con thứ 5 vận động bắt ép bố tôi di chúc nốt số đất còn lại cho người con thứ 5 mặc dù người con đó đã có đất. Nên anh em tôi không đồng ý. Vậy, tôi hỏi trường hợp này khiếu nại như thế nào? Tôi xin cảm ơn.

 

=> Tư vấn quy định về hiệu lực của Di chúc, gọi 19006169 

 

Trả lời câu hỏi tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty chúng tôi! Trường hợp của bạn chúng tôi được trả lời như sau:

 

Điều 116 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. Do đó, có thể xác định lập di chúc là hành vi pháp lý đơn phương trong giao dịch dân sự. Và theo quy định tại Điều 117 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

 

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

 

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, điều kiện để di chúc có hiệu lực pháp luật bao gồm:

 

- Người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự;

 

- Mục đích và nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

 

- Người lập di chúc hoàn toàn tự nguyện.

 

Đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

 

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

 

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”

 

Như vậy, trường hợp “người con thứ 5 vận động bắt ép bố tôi di chúc nốt số đất còn lại cho người con thứ 5” thì phần di chúc này không hợp pháp và không phát sinh hiệu lực theo quy định của pháp luật. Mặt khác, Người con thứ 5 không thể giành được phần đất còn lại mà bố mẹ bạn đang ở, nếu muốn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người con thứ 5 chỉ có thể thông qua các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thừa kế phần đất này theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về điều kiện di chúc có hiệu lực pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 19006169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV tư vấn Hoàng Huyền - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo