Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về điều kiện để di chúc có hiệu lực

Tôi xin trình bày với luật sư nội dung như sau: Năm nay tôi 42 tuổi chưa lập đình, là con út trong một gia đình gồm 11 người con trong đó anh trai thứ 2 đã hy sinh. Nhà gồm 10 cô con gái thì 9 cô đã lập gia đình trong đó một chị đã mất năm 1982. Khi bố mẹ tôi còn sống ông bà đã bán 1/5 số đất cho trưởng họ để làm từ đường trong đó có 1 gian danh cho bố mẹ tôi khi chết đi. Và cũng chia cho 2 chị gái tôi mỗi người một ít ( vì ở chung trên mảnh đât đó).

 

Số đất còn lại là 460m2 bố mẹ tôi ở. Khi bố mẹ tôi còn sống, năm 18 tuổi tôi đã đi thoát ly nên tôi không trực tiếp sống cùng ông bà nhưng hộ khẩu thì vẫn còn. Bố tôi mất năm 2000 và có để lại di chúc là để toàn bộ số đất đó cho tôi( vì bố mẹ rất thương tôi). Mấy năm sau mẹ tôi ra xã sang tên miếng đất đó cho tôi đồng thời cũng làm sổ riêng cho 2 người chị ở cùng thổ đó. Mọi việc diễn ra suôn sẻ không ai ganh tị ai cả. Năm 2010 mẹ tôi mất. Sau khi tang lễ xong họp gia đình chị cả tôi bất ngờ đọc di chúc nói là di chúc của mẹ. (Chị cả sống gần đó chứ không ở trên cùng mảnh đất với bố mẹ tôi). Nội dung bản di chúc là tôi được hưởng một nửa số đất còn một nửa chia cho chị cả và chi thứ 4 ( cả 2 chị đều có gia đình sống gần đó) Tất cả chị em trong nhà đều ngạc nhiên vì không hề nghe mẹ tôi nói làm di chúc khi bà còn sống và mẹ cũng không hề nói với tôi là chia đất cát gì cả. Sau khi đọc di chúc xong chị cất ngay đi nên không ai nói đến nữa vì bà mới mất. Cho đến thời điểm này tôi cũng chưa hề nhìn thấy bản di chúc đó như thế nào nhưng có chị nhìn thấy và nói là bản di chúc đó không có công chứng nhưng lại có chữ ký của các chị còn lại. Trên thực tế tất các chị nói là không hề ký gì cả. Mọi việc đi vào quên lãng cho đến đầu năm 2016 tôi muốn bán đất để lập nghiệp nơi khác thì chị cả đòi chia đất. Vậy xin cho tôi hỏi: bản di chúc mà chị tôi đọc khi mẹ tôi mất có hiệu lực không? Và trong trường hợp này thì tòa sẽ giải quyết như nào với số đất mà mẹ đã sang tên cho tôi. ( trước khi mẹ mất bà đã chia đầy đủ cho con cái. Người có đất thì không có tiền tuy nhiên về mặt giá trị thì không bằng nhau.) Tôi rất mong luật sư trả lời giùm tôi trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi xin chân thành cám ơn!

 

>> Giải đáp pháp luật về Di chúc, thừa kế, gọi: 19006169

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, bản di chúc mà chị bạn đọc khi mẹ bạn mất có hiệu lực không?

 

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ, chúng tôi không biết được nội dung cụ thể của bản di chúc nên chúng tôi không thể khẳng định bản di chúc mà chị bạn đang giữ có hiệu lực hay không. Nên chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn quy định của pháp luật để một bản di chúc có hiệu lực, bạn có thể căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định bản di chúc mà chị bạn đang giữ có hiệu lực pháp luật hay không?

 

Một di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

 

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

- Về hình thức của di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 627 BLDS 2015):

 

Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

“Điều 628. Di chúc bằng văn bản

 

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

 

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

 

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

 

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

 

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”

 

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết tay và ký vào bản di chúc. (Điều 633)

 

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Điều 634)

 

Như vậy, bạn có thể căn cứ vào các quy định trên để xét vào bản di chúc hiện tại có đáp ứng được các điều kiện để có hiệu lực pháp luật hay không.

 

Thứ hai, giải quyết đối với mảnh đất mà bạn đã được sang tên

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì lúc còn sống mẹ bạn đã ra xã để sang tên mảnh đất này cho bạn và tách sổ cho hai người chị khác. Nếu thủ tục này là hoàn toàn hợp pháp thì kể từ khi sang tên mảnh đất này cho bạn mẹ bạn đã không còn quyền với mảnh đất này nữa mà bạn mới là người có quyền đối với mảnh đất. Nên cho dù bản di chúc hiện tại có hiệu lực thì phần di chúc về định đoạn mảnh đất này của mẹ bạn sẽ vô hiệu do mẹ bạn đã không còn quyền để định đoạn về mảnh đất này nữa.

 

Trân trong!

CV: Nguyễn Thị Thủy – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo