Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về trường hợp một công dân có nhiều quốc tịch

Xin chào CÔNG TY LUẬT TNHH MINH GIA Chị gái tôi là người việt nam lấy chồng trung quốc, vừa qua 25-08-2017 vừa hạ sinh 1 cháu gái tại Việt Nam.

 

Đã có giấy chứng nhận nhập tịch trung quốc của đại sứ quán trung quốc tại việt nam, còn 3 ngày nữa là hết hạn làm giấy khai sinh cho cháu, tôi muốn hỏi CÔNG TY LUẬT TNHH MINH GIA 1 số vấn đề như sau: Thứ 1: cháu tôi có được phép mang thêm quốc tịch hay không? Vì tôi biết trung quóc không cho phép công dân của họ mang đa quốc tịch, nhưng Việt nam chúng ta lại được phép. Thứ 2: nếu bây giờ làm giấy khai sinh cho cháu (đến 25-9-2017 là tròn 2 tháng. đã ghi quốc tịch trung quốc rồi, sau khi mang giấy khai sinh xuống đại sứ quán Trung quốc để làm xác nhận nhập tịch Trung quốc xong, làm thế nào để nhập tịch Việt nam mà vẫn giữ được quốc tịch trung quốc xin CÔNG TY LUẬT TNHH MINH GIA giúp đỡ tôi vấn đề này vì cháu tôi sắp hết hạn đăng kí giấy khai sinh rồi, gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn CÔNG TY LUẬT TNHH MINH GIA

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc có hai quốc tịch

 

Căn cứ theo Điều 4 Luật quốc tịch năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

 

“Điều 4. Nguyên tắc quốc tịch

 

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”

 

Như vậy, về nguyên tắc, nhà nước chỉ công nhận mỗi công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Việc công nhận công dân Việt Nam được mang 2 quốc tịch chỉ áp dụng với người định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch Việt Nam và chưa bị mất quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam “thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép” (khoản 3 Điều 19 Luật quốc tịch 2006). Đó là người thuộc một trong những trường hợp sau đây:

 

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

 

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

 

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Do đó thì hiện nay Việt Nam chấp nhận trường hợp đa quốc tịch nếu rơi vào các trường hợp trên.

 

Ngoài ra theo Điều 14 Luật này quy định rất chi tiết về những trường hợp mang quốc tịch Việt Nam:

 

Điều 14. Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam

 

Người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:

 

1. Do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật này;

 

2. Được nhập quốc tịch Việt Nam;

 

3. Được trở lại quốc tịch Việt Nam;

 

4. Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật này;

 

5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

 

Như vậy, khi con bạn được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam thì về nguyên tắc thì trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn có thể có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, theo như Điều 4 Luật quốc tịch 2008 và thông tin bạn tìm hiểu từ phía pháp Luật bên Trung Quốc thì Trung Quốc là nước không chấp nhận đa tịch. Tất cả mọi người xin nhập quốc tịch  Trung Quốc phải chứng nhận đã từ bỏ quốc tịch hiện tại của mình. Do đó, con của bạn chỉ có thể mang một quốc tịch Việt Nam hoặc Trung Quốc. Nếu mình đã đăng ký cho con mang quốc tịch Trung Quốc thì bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam nên không thể đăng ký cho con bạn mang hai quốc tịch.                                                                

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà. - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo