Phạm Diệu

Tư vấn về chuyển quyền sử dụng đất và thừa kế theo pháp luật

Di sản thừa kế được chia như thế nào trong trường hợp không có di chúc, các thủ tục sang tên quyền sử dụng đất được pháp luật quy định như thế nào? Nếu bạn có vướng mắc về các vấn đề này, bạn có thể liên hệ Luật Minh Gia để được giải đáp cụ thể.

Hiện nay, vấn đề tranh chấp đất đai là vấn đề khá phổ biến, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đất đai là di sản thừa kế. Vậy đối với những tranh chấp này được giải quyết như thế nào, trong trường hợp người mất không để lại di chúc thì những ai được hưởng di sản mà họ để lại? Để được giải đáp cụ thể về các vấn đề này, bạn có thể liên hệ đến Công ty Luật Minh Gia qua tổng đài: 1900.6169 để được hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi tư vấn qua tình huống sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này:

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư, nhà tôi đang trông nom mảnh đất của cô ruột không có chồng, khi cô ốm có gọi vợ chồng tôi đến giao cho và chỉ viết một giấy viết tay do chồng tôi viết có nhờ chú họ làm chứng. Nay cô tôi đã mất vợ chồng tôi lo hậu sự. Đến tháng 4 năm 2020 em trai chồng phát đơn ra xã đòi chia đất vậy tôi muốn hỏi trường hợp gia đình tôi pháp luật quy định thế nào? Cảm ơn luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung chị yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất thuộc quyền sở hữu của cô bạn, khi người cô ốm có giao mảnh đất và viết giấy tờ cho vợ chồng bạn, tuy nhiên bạn chưa nêu rõ nội dung giấy tờ mà cô bạn biết là giấy tờ gì, có thể là giấy tờ về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy tờ tặng cho hay di chúc để lại mảnh đất cho vợ chồng bạn.

Trong trường hợp, giấy tờ mà cô bạn viết cho vợ chồng bạn là giấy tờ về tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các giấy tờ trên phải được công chứng, chứng thực theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 như sau:

"Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

 a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;".

Do đó, nếu giấy tờ giấy tờ về tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà cô bạn viết cho vợ chồng bạn chỉ là giấy tờ viết tay, có người làm chứng mà không thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực thì các giấy tờ này không có giá trị pháp lý.

Trường hợp, giấy tờ mà cô bạn viết là di chúc phải đảm bảo điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

"Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.".

Nếu là di chúc có người làm chứng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự 2015:

"Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.".

Đối với di chúc có người làm chứng thì phải đảm bảo điều kiện ít nhất có hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Do đó, nếu di chúc của cô bạn mà chỉ có 01 người làm chứng thì không đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật, theo đó bản di chúc mà cô bạn viết không có hiệu lực pháp luật.

Khi các giấy tờ mà cô bạn để lại không có hiệu lực pháp luật thì mảnh đất là di sản thừ kế sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.".

Với trường hợp của gia đình ban, nếu cô bạn mất mà không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai thì bạn và em trai của bạn được thừa kế phần di sản cô bạn để lại và được hưởng phần di sản bằng nhau. Trường hợp, bạn và em trai không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia di sản thừa kế thì em trai bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu phân chia di sản của người cô để lại. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo