Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về chia thừa kế khi hết thời hiệu khởi kiện

Nội dung câu hỏi: Chào luật sư, tôi viết email này mong được sự tư vấn của luật sư. Xin được tư vấn một việc như sau: Cha mẹ tôi đã mất từ lâu (mẹ mất 1978, cha mất 1986) không trăng trối và để lại di chúc nào cả, gia đình có 7 người con, chị cả X còn sống, kế đến ông anh là N nhập ngủ Quân đội 1959 và đã hy sinh để lại 2 người con là K và L, vợ nuôi con đến tuổi trưởng thành.

 

Năm 1976 mẹ hai cháu lấy chồng khác làm nhà cùng chung sống với người chồng mới( Là con liệt sỹ, K được ưu tiên đi lao động tại Liên bang Nga). Cha mẹ sống với người con trai thứ là Lại tấn N cho đến khi qua đời. Khi có chủ trương làm thẻ đỏ (GCNQSD) mảnh đất cha mẹ chết để lại, ông N  làm thể đỏ mang tên mình. Ông N đã chết tháng 5 năm 2013, trước khi chết ông N có trăng trối với em gái chúng tôi (H), em trai (L) vợ và con trai út: " Tau chết giải quyết cho thằng Kỳ một đám đất để khi về nước nó làm nhà ở". Hiện tại vợ ông N (con dâu) đang sống trên mảnh đất này (khoảng 1500 m2, mặt tiền khoảng 40m).  Khi còn sống vợ chồng ông N cho đứa con gái thứ 7-8 m đất mặt tiền. Vợ chồng ông N có 8 người con 2 trai, 6 gái. Nguồn gốc mảnh đất này là do cha của cháu K (T) dựng lều, cắm trại đi rừng đẵn gổ về làm nhà cho cha mẹ sinh sống. Nay do hoàn cảnh làm ăn khó khăn, K (con liệt sỹ, cháu đích tôn của ông bà nội) về nước với vợ và 2 con còn nhỏ, nhà không có, cha hy sinh cho Tổ quốc không có nơi thờ cúng (bản thân vợ con ở nhờ, bát nhang cha cũng ở nhờ nhà bà thím dâu, vợ ông N). Trước hoàn cảnh đó, gia đình, anh chị em chúng tôi tổ chức cuộc họp để bàn, thuyết phục, vận đông. Người con dâu (vợ ông N) đang chiếm giử mảnh đất cha mẹ chúng tôi chết để lại nhượng cho cháu K (cháu đích tôn) một đám đất độ 5-6 m để có chổ làm nhà ở  và có nơi thờ cúng cha là liệt sỹ. nhưng người con dâu (vợ ông N) nhất khoát không cho và nói: "Đất của tôi đã có thẻ đỏ không ai có quyền xâm phạm, đất tôi đã chia và làm thẻ đỏ cho 8 đứa con cả rồi" Vậy chúng tôi xin được tư vấn: 1- Đất vườn cha mẹ chúng tôi chết để lại không có di chúc có được chia đều cho cả 7 người con không? 2- Cháu K có được hưởng phần thừa kế của cha mình không? 3- Nếu được chia đều phần của chúng tôi có được nhường cho cháu K không? 4- Việc vợ chồng ông N tự ý cho người con gái một mảnh đất chung có hợp pháp không? Mong luật sư hồi đáp sớm thông qua gmail của tôi, nếu có thông tin gì còn thắc mắc luật sư cứ hỏi thêm tôi sẽ cung cấp đầy đủ ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì diện tích đất mà cha mẹ bạn sau khi chết để lại đã được ông N (con thứ 2) làm sổ đỏ mang  tên ông. Tuy nhiên, đây là tài sản của ba mẹ bạn nên khi ba mẹ bạn chết đây được xác đình là di sản thừa kế, chứ không phải tài sản riêng của ông N.

 

Ba mẹ bạn mất đã lâu, hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế nên theo quy định của Nghị quyết 02/2004/NĐ-CP: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

 

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

 

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

 

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

 

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản”.

 

Ba mẹ bạn không để lại di chúc nên di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ba mẹ bạn là 7 người con. Trong đó thì năm 2013 một người con là ông N đã chết. Tại thời điểm mở thừa kế của ba mẹ bạn (thời điểm chết), ông N vẫn còn sống nên vẫn có quyền hưởng di sản do ba mẹ để lại. Đến nay, khi các đồng thừa kế tiến hành chia di sản do ba mẹ để lại thì ông N đã chết nên không thể nhận phần di sản đó nữa. Do vậy, phần di sản mà ông N được hưởng sẽ được chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật của ông N là tám người con (2 trai, 6 gái) và vợ ông N (vì vào thời điểm ông N chết vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân giữa ông N và vợ dù sau đó vợ ông N lấy người khác). Nếu bây giờ, anh chị em của bạn mới yêu cầu chia thừa kế thì phần của ông N được chia đều cho những người thừa kế đó của ông N

 

Nếu 6 người con còn lại và những người thừa kế của ông N  thỏa thuận được phần mỗi người được hưởng thì khi có yêu cầu chia tài sản, việc xác định được thực hiện theo thỏa thuận đó. Sau khi chia có thể thỏa thuận nhường lại cho cháu K theo thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

 

Nếu 6 người con còn lại và những người thừa kế của ông N không thỏa thuận được phần mỗi người được hưởng thì việc chia tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung như sau (Điều 224 BLDS 2005):

 

- Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.

 

- Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

 

Trong trường hợp này, các đồng thừa kế là 6 người con không trực tiếp quản lý, sử dụng di sản mà  vợ ông N chiếm giữ thì 6 người con có thể khởi kiện vợ ông N để đòi lại tài sản.

 

Việc vợ chồng ông N khi còn sống tự ý cho con gái một mảnh đất thuộc di sản cho bố mẹ bạn để lại là không đúng vì phần đất cho bố mẹ bạn để lại là di sản thừa kế phải được chia theo quy định của pháp luật chứ vợ chồng ông N không được quyền định đoạt. Sau khi chia di sản thừa kế thì vợ chồng ông N mới có quyền cho con đất thuộc phần di sản mà mình đáng lẽ ra được hưởng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về chia thừa kế khi hết thời hiệu khởi kiện . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV Dương Xuân – Công ty Luật Minh Gia
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo