LS Hồng Nhung

Tư vấn về chia tài sản thừa kế là đất chưa có sổ đỏ

Ông bà ngoại con có 5 người con 4 nam, 1 nữ. Tài sản của ông bà ngoại đã cho các con ai cũng có phần, chỉ còn 1 miếng đất thổ cư nhưng chưa có Giấy sở hữu. Năm 1980 bà ngoại mất, năm 1992 ông ngoại mất không để lại di chúc, nhưng giao quyền quyết định cho người con thứ 3, khi đó các con (5 người) còn đầy đủ.

 

Hỏi: Người con thứ 4 của ông ngoại mới xin về ở nhờ miếng đất và cất nhà trên miếng đất ông ngoại để lại cạnh nhà người thứ 3. Năm 2010, 2012, 2015 lần lượt các người con thứ 2, thứ 4, thứ 5 qua đời. Tháng 02/2015, người thứ 3 chết có di chúc để lại phần đất này cho người cháu là con của người thứ 6, có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã. Sau khi người thứ 3 mất khoảng 1 năm thì mới hay là có lập di chúc. Nên con của người thứ 6 nhờ Ủy ban nhân dân xã công bố di chúc và làm giấy sở hữu. Các con của người thứ 5 (đã mất) đứng ra tranh chấp vì cho rằng phần đất đó là đất của người thứ 5. Vậy cho con hỏi:

 

- Di chúc của người thứ 3 đó có hiệu lực pháp lý không?

 

- Theo hàng thừa kế thì người thứ 5 (đã chết) có được nhận di sản, nếu được tính tài sản chung không?

 

- Việc UBND xã không công bố di chúc, như vậy di chúc có hiệu lực không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Với những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin chia làm các trường hợp có thể xảy ra sau đây:

 

Thứ nhất, mảnh đất thổ cư là tài sản của cá nhân ông bạn nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó ông bạn đã giao quyền quyết định cho người con thứ 3. Có thể người con thứ 3 đã đi xin cấp và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân của mình theo một trong các trường hợp của Điều 100, Điều 101 Luật đất đai 2013. Trong trường hợp này, vào tháng 2/2015 người con thứ 3 chết có di chúc để lại mảnh đất cho người cháu là con của người con thứ 6 là hoàn toàn hợp pháp do đây là tài sản cá nhân của riêng người con thứ 3 nên theo Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

 

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

 

Trong trường hợp bản di chúc đã được chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã là nơi lưu giữ bản di chúc theo Khoản 1 Điều 665 Bộ luật dân sự thì (Điều 672 Bộ luật dân sự):

 

Trong trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại cơ quan công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.

 

Ủy ban nhân dân có trách nhiệm phải công bố di chúc khi đã chứng thực di chúc và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Không có quyền giữ bản di chúc mà không công bố vào thời điểm mở thừa kế.

 

Thứ hai, mảnh đất thổ cư là tài sản của cá nhân ông bạn, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như người con thứ 3 chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân của người đó. Như vậy, dù chưa làm Giấy chứng nhận nhưng mảnh đất đó trên thực tế vẫn đứng tên chủ sở hữu là ông bạn. Vì vậy người con thứ 3 chỉ có quyền lập di chúc đối với phần đất mà mình được chia thừa kế theo pháp luật. Mảnh đất của ông bạn do không có di chúc để lại nên sẽ được chia theo hàng thừa kế (Điều 674 Bộ luật dân sự). Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự). Nếu “trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống” (Thừa kế thế vị theo Điều 677 Bộ luật dân sự).

 

Như vậy, nếu di chúc của người con thứ 3 chỉ bao gồm để lại phần đất mà mình được chia theo quy định của pháp luật thì bản di chúc đó hoàn toàn hợp pháp. Nếu bản di chúc để lại cả mảnh đất đó cho cháu là con của người con thứ 6 thì bản di chúc đó sẽ vô hiệu phần di sản là mảnh đất. Những người con của người con thứ 5 hoàn toàn có quyền đòi phần di sản thuộc về mình nếu phù hợp với các quy định của pháp luật.

 

Thứ ba, mảnh đất đó là mảnh đất của hộ gia đình mà theo đó những người có tên trong hộ khẩu sẽ có một phần giá trị sử dụng của mảnh đất. Tùy thuộc vào hộ khẩu còn lại tên những ai, những ai đã tách khẩu mà mảnh đất đó sẽ được chia thành từng đó phần. Trong trường hợp người con thứ 5 có tên trong hộ khẩu hoặc những người con của người con thứ 5 đó có tên trong hộ khẩu thì những người con đó hoàn toàn có phần đất trong tổng mảnh đất di sản đó. Nếu người con thứ 5 không có tên trong hộ khẩu mà hộ khẩu chỉ còn lại mỗi tên của người con thứ 3 thì mảnh đất đó nghiễm nhiên thuộc quyền sử dụng của người con thứ 3 và việc để lại di chúc có chứng thực của Ủy ban nhân dân là hợp pháp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về chia tài sản thừa kế là đất chưa có sổ đỏ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Quách Vũ Ngọc Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo