Nguyễn Văn Cảnh

Tư vấn về chia di sản thừa kế trong khối tài sản chung

Bố tôi ( mất 2011) và Cô tôi ( hiện đang còn sống ) đứng tên chung Sổ hồng. Bố tôi mất không để lại di chúc, những người thừa kế của ông gồm mẹ tôi và ba chị em tôi.


Nội dung đề nghị tư vấn: 1/ Tình huống 1 : Cô tôi muốn bán nhà nhưng 1 trong đứa em của tôi không chịu ký tên để bán. Cho hỏi ở tình huống này , nếu 1 người trong chúng tôi không ký tên bán thì có biện pháp gì để chúng tôi giải quyết vấn đề này. 2/ Tình huống 2 : Hiện cô tôi đã làm di chúc cho một người quen của cô ấy( Cô ấy không có gia đình) chúng tôi muốn pháp luật công nhận quyền hưởng thừa kế (phần TS của bố chúng tôi) của chúng tôi như thế nào khi một trong người em của chúng tôi không làm một động thái nào khác? Chúng tôi muốn mọi thứ minh bạch và rõ ràng. Nếu Cô tôi đem cầm cố chủ quyền cho ngân hàng hoặc một đối tượng nào đó thì chúng tôi sẽ xử lý như thế nào? 3/ Tình huống 3 : chúng tôi muốn phân chia phần thừa kế của chúng tôi khi 1 trong 4 người thừa kế của chúng tôi không ký ( Hiện cô tôi đang ở căn nhà đó và đã 80 tuổi).

Trả lời tư vấn: Vì bố và cô của bạn cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi bố bạn mất đi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ được hưởng phần di sản này ( do bố bạn không để lại di chúc). Để đảm bảo quyền lợi thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có quyền yêu cầu phân chia tài sản chung đồng thời thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Việc thỏa thuận phân chia này sẽ được tiến hành ở văn phòng công chứng thuộc tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

Hồ sơ giấy tờ bao gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;

- Giấy chứng tử của người để lại di sản;

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất-Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu;

- Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân

- Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu;

Trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản thì có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản theo quy định tại điều 59 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Việc thụ lý được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Sau khi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, các bên có trách nhiệm thực hiện theo những cam kết đã thỏa thuận trong văn bản. Người được hưởng quyền sử dụng đất sẽ có quyền đăng ký sang tên quyền sử dụng đất ở tại Văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên cần lưu ý đến diện tích tối thiểu được tách.

Hồ sơ đăng ký sang tên:

– Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính);

– Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu thường trú của những người có liên quan: mẹ bạn, 3 người con, cô bạn (bản sao có công chứng, chứng thực).

Khi đăng ký sang tên cho từng người được hưởng thừa kế thì những người được hưởng thừa kế sẽ có quyền tự do thực hiện các giao dịch liên quan đến phần di sản mình được nhận.

Trường hợp các bạn không muốn phân chia tài sản chung và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì các giao dịch liên quan đến tài sản buộc phải có sự đồng ý của tất cả những người có quyền sở hữu đối với phần tài sản đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về chia di sản thừa kế trong khối tài sản chung. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV Lương Duyên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo