Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về chia di sản thừa kế là nhà ở và thời hiệu chia di sản thừa kế.

Bố mẹ tôi kết hôn năm 1976 có 4 người con là chị e tôi và có một ngôi nhà rộng khoảng 40m2(đứng tên bố tôi). Hiện giờ chi em tôi đang ở. Năm 1999 mei tôi mất không để lại di chúc.Bố tôi cũng không có trách nhiệm nuôi con.Lúc đó 2 em tôi còn nhỏ 1 đứa hoc lớp 4, một đứa học lớp 6.Năm 2002 bố tôi kết hôn với vợ 2 và sinh được 2 người con trai.


Bố tôi cùng gia đình mới không sống cùng chị em tôi và ông cũng không chu cấp nuôi em tôi. Ông và vợ sống ở nhà ông bà nội tôi để lại. Năm 2008 bố tôi có ra tòa ly hôn với vợ 2 vì mâu thuẫn, nhưng không lấy trích lục. Bố tôi và vợ 2 ly thân , không ở chung, mỗi người nuôi 1 con chung của 2 người.Năm 2014 bố tôi mất, không để lại di chúc.

Tôi mong Luật sư tư vấn giúp tôi tài sản ngôi nhà của bố mẹ tôi để lại rông 40m2 sẽ được chia như thế nào? Vì vợ 2 của bố tôi đòi chia cho bà và 2 con trai của bà căn nhà đó. (Căn nhà đó chúng tôi bỏ tiền sửa lại năm 2012).

Tôi rất mong nhận được trả lời sớm nhất của Cty. Tôi xin chân thành cảm ơn!.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia.

Do mẹ bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005: “không có di chúc”.

Căn cứ theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
 
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
 
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
 
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
 
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
 
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
 
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 
Như vậy, những người được hưởng di sản thừa kế của bố bạn và bốn chị em bạn. Mỗi người sẽ được hưởng những phần bằng nhau trong di sản thừa kế mà mẹ bạn để lại.

Căn cứ theo Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau:


Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.


Theo quy định của pháp luật quy định về thời hạn yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình là 10 năm mà mẹ bạn mất từ năm 1999 đến nay đã được 17 năm nên đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật. Ai đang trực tiếp, quản lý sử dụng di sản thừa kế sẽ tiếp tục quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 hướng dẫn thì:

- Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

+ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

- Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

Mẹ bạn mất năm 1999, năm 2002 bố bạn kết hôn với người khác để cho bốn anh chị em bạn sống trong căn nhà đó và chuyển sang sinh sống cùng người vợ mới tại nhà của ông bà. Bốn chị em bạn là người trực tiếp quản lý, sử dụng căn nhà từa năm 2002 đến nay. Và các bên thừa kế không có tranh chấp nên căn nhà đó sẽ được coi là tài sản chung của bố bạn và bốn anh chị em bạn với những phần tương ứng.

Di sản thừa kế của mẹ bạn bao gồm tài sản riêng và tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng (1/2 căn nhà).

4 anh em bạn mỗi người được hưởng = bố= (1/2 căn nhà) : 5 = 1/10 căn nhà. Phần tương ứng trong căn nhà rộng 40 m2 trên của bố bạn là: 1/2 +1/10 = 6/10 căn nhà 

Năm 2014 bố bạn mất mà không để lại di chúc nên di sản thừa kế của bố bạn bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.

Căn cứ theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 những người được hưởng di sản thừa kế của bố bạn bao gồm: bốn anh chị em bạn, vợ sau và 2 người con chung của bố bạn với người vợ sau.

Theo thông tin mà bạn đã cung cấp, năm 2008 bố bạn và người vợ sau đã ra tòa ly hôn nhưng do không trích lục, đã không chung sống cùng nhau nhưng bạn không nói rõ là hai người đã ly hôn hay chưa. Nếu như hai người đã làm xong thủ tục ly hôn nhưng chưa trích lục bản án, giấy chứng nhận đã ly hôn thì hai người không còn quan hệ vợ chồng và như vậy, người vợ mới của bố bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế.

Như vậy phần di sản thừa kế mà bố bạn để lại sẽ được chia làm 6 phần: 4 anh em bạn và 2 người con chung của bố bạn với người vợ mới.

1 phần di sản thừa kế trong trường hợp này = 6/10 căn nhà : 6 = 1/10

Nếu như hai người đã ra tòa nhưng chưa làm thủ tục ly hôn, tuy không sống chung nhưng theo pháp luật họ vẫn có quan hệ vợ chồng theo pháp luật nên người vợ sau của bố bạn sẽ vẫn được hưởng 1 phần di sản thừa kế. Mỗi người trong hàng thừa kế sẽ được hưởng những phần di sản thừa kế bằng nhau trong khối di sản mà bố bạn để lại bao gồm tài sản của bố bạn và phần tương ứng trong căn nhà rộng 40m2. 

1 phần di sản thừa kế mà mỗi người được hưởng = 6/10 căn nhà : 7 (người trong hàng thừa kế).

Bạn nên thỏa thuận với những người trong hàng thừa kế về thực hiện chia di sản. Nếu căn nhà đủ rộng để chia thành phần đảm bảo các điều kiện về chỗ ở cho mọi người thì có thể chia căn nhà, nếu căn nhà không thể chia thì có thể thỏa thuận thanh toán phần di sản thừa kế bằng tài sản. Nếu các bên không thể thỏa thuận về việc chia di sản thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia di sản thừa kế và xác định phần được hưởng của mình.

Trân trong!
Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo