LS Hồng Nhung

Tư vấn về cầm cố tài sản phạm tội

Yêu cầu tư vấn: Cháu có câu hỏi muốn nhờ luật sư giải đáp. Trước đây có một người mang ô tô tới nhà cháu cắm, có đầy đủ giấy tờ với giá 400tr. Nhưng hôm nay công an tới thông báo là chiếc xe đó là do anh kia lừa đảo và mang đi cắm. Anh ta đã lừa khoảng 10 người với 10 chiếc xe. Vậy nhà cháu có bị mất số tiền đó không ạ? Quy định pháp luật thế nào mong cố chú tư vấn. Cháu xin chân thành cảm ơn.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ vào Điều 168 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy địnhQuyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình như sau:

 

“Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật này.”

 

Khoản 2 ĐIều 133 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

 

“2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

 

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.”

 

Do đó, chủ sở hữu thật sựcó đăng ký quyền sở hữu của chiếc ôtô theo quy định của pháp luật có quyền đòi lại chiếc ôtô đó.

 

Đối với việc gia đình bạn có lấy lại được 400 triệu hay không? Theo quy định của pháp luật về cầm cố tài sản tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc cầm cố tài sản, bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Trong trường hợp của bạn có nêu là có giấy tờ đầy đủ, nhưng theo thông tin bạn cung cấp là người cầm cố là người lừa đảo, chúng tôi hiểu ở đây là giấy tờ của người cầm cố này là giấy tờ giả.

 

Trường hợp 1: nếu gia đình bạn không ngay tình, tức là biết giấy tờ đó là giả mạo thì gia đình bạn không có quyền đòi lại số tiền đó của người lừa đảo và phạm vào tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tại Điều 323 Bộ luật hình sự 2015: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.” hoặc bị phạt hành chính nếu làm trong lĩnh vực dịch vụ cầm cố về mức phạt chúng tôi đã từng tư vấn bạn có thể tham khảo về một vụ việc về xử phạt hành chính trong vụ việc cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo...

 

Trường hợp 2: Nếu gia đình bạn ngay tình, tức là không hay biết giấy tờ đó là giả mạo thì gia đình bạn có quyền đòi lại số tiền đó bằng cách khởi kiện người cầm cố đó về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) ra phía cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về cầm cố tài sản phạm tội . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Hoài Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo