LS Hoài My

Tư vấn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Chồng và mẹ chồng tôi sang nhà bố mẹ tôi chửi bới, đập xe và ra tay đánh tôi. Khi thây tôi bị chồng đánh, em trai tôi và má tôi vô can thì chồng tôi quay sang đánh em trai tôi. Trong lúc hoảng loạn má tôi vớ lấy cây củi để đánh lại chồng và mẹ chồng tôi thì bị chồng tôi giằng lấy cây và quay lại đánh má tôi bầm chân, rồi tiếp tục dùng cây đó bổ liên tiếp xuống đầu em trai tôi.


Xin chào luật sư! Tôi có câu hỏi sau xin nhờ luật sư tư vấn giúp.

Tôi và chồng tôi hiện nay đang chờ tòa giải quyết ly hôn. Chồng và mẹ chồng tôi sang nhà bố mẹ tôi chửi bới, đập xe và ra tay đánh tôi. Khi thây tôi bị chồng đánh, em trai tôi và má tôi vô can thì chồng tôi quay sang đánh em trai tôi. Trong lúc hoảng loạn má tôi vớ lấy cây củi để đánh lại chồng và mẹ chồng tôi thì bị chồng tôi giằng lấy cây và quay lại đánh má tôi bầm chân, rồi tiếp tục dùng cây đó bổ liên tiếp xuống đầu em trai tôi. Sự việc được gia đình tôi trình báo công an nhưng khi công an xuống lại không lập biên bản thu giữ tang vật hay chụp hình thương tích của má tôi và em trai tôi chỉ kêu gia đình tôi làm bản tường trình gửi lên công an. Bên gia đình tôi đã làm tường trình và yêu cầu bên gia đình chồng tôi bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí thuốc thang, viện phí, sửa xe, chi phí công lao động của em trai tôi và người chăm sóc, chi phí đi lại, ăn uống ở bệnh viện ( em trai tôi nằm viện 4 ngày do bác sĩ yêu cầu nằm theo dõi xem có bị tụ máu bầm ở đầu hay không) nhưng bên gia đình chồng tôi không đồng ý. Khi đưa ra hòa giải bên tư pháp xã thì bên tư pháp xã chỉ nói do đôi bên đánh nhau nên bên gia đình chồng tôi chỉ bồi thường theo hóa đơn bao gồm chi phí viện phí, thuốc thang còn xe là tài sản chung của vợ chồng nên chỉ bồi thường theo thỏa thuận của vợ chồng, còn những chi phí còn lại không hóa đơn thì không bồi thường. Bên gia đình tôi không đồng ý nên tiếp tục gửi đơn lên tòa.

Tôi xin hỏi:

1. Việc má tôi cầm cây chống trả lại có xem là hành vi tự vệ hay không ( má tôi không gây thương tích cho bên đó mà còn bị chồng tôi giằng cây đánh lại gây thương tích)?

2. Yêu cầu bồi thường của bên gia đình tôi có hợp lý hay không?

3. Việc bên tư pháp nói chỉ bồi thường theo hóa đơn còn các khoản không hóa đơn không bồi thương do đôi bên đánh nhau là đúng hay sai?

4. Vợ chồng tôi đã ra tòa hòa giải đôi bên không tài sản chung, không nợ chung nhưng đều giành quyền nuôi con nên tòa hẹn ngày đưa ra xét xử giao quyền nuôi con. Vậy xin cho tôi hỏi chiếc xe chồng tôi đập hư có còn là tài sản chung hay không? Trường hợp còn là tài sản chung thì tôi có phải chịu chi phí sửa chửa hay không?

Mong nhận được sự hồi đáp của luật sư. Tôi Xin chân thành cám ơn!

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.
 

Thứ nhất, hành vi cầm củi đánh lại có được coi là phòng vệ chính đáng?

 

Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về phòng vệ chính đáng

 

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Theo thông tin chị cung cấp thì má chị do thấy em chị bị đánh mà không can ngăn được nên mới cầm cây củi đánh chồng bạn để giải thoát cho em chị và má chị cũng chưa gây ra thiệt hại cho người kia. Nên căn cứ theo quy định trên thì trường hợp này được coi là phòng vệ chính đáng. Má chị sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Thứ hai, yêu cầu bồi thường của bên gia đình chị có hợp lý hay không?

 

Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Và Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:

 

“Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

 

Căn cứ vào các quy định trên thì yêu cầu của gia đình chị là hợp lý. Ngoài ra, chồng chị đánh em chị bị thương thì còn có thể yêu cầu chồng chị bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.Về phần chiếc xe mặc dù là tài sản chung của hai vợ chồng chị tuy nhiên nếu chồng chị có hành vi phá hoại chiếc xe thì vẫn phải chịu chi phí sửa chữa chiếc xe vì đây là tài sản chung chứ không phải tài sản riêng, hành vi phá hoại tài sản đã xâm phạm đến tài sản trong đó có phần sở hữu của chị.

 

Thứ ba phần thiệt hại thực tế mà không có hóa đơn có được bồi thường không?

 

Điều 5 phần I  Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định về Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự như sau:

 

“a) Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại…...”

 

Căn cứ quy định trên thì gia đình chị khi yêu cầu bồi thường thiệt hại thì gia đình chị cần nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.

 

Thứ tư, chiếc xe chồng bạn làm hư hỏng có còn là tài sản chung hay không?

 

Chị cần phải xác định nguồn gốc của chiếc xe này thì mới có thể xác định đây là tài sản chung hay riêng. Nếu tài sản này là tài sản do hai vợ chồng cùng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân hoặc được thừa kế chung, tặng cho chung hoặc đã được nhập vào khối tài sản chung thì được xác định là tài sản chung (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

 

Theo thông tin chị cung cấp thì chị và chồng chị ra Tòa án hòa giải thì 2 bên không có tài sản chung, không có nợ chung nhưng trên thực tế đây là tài sản chung và nếu chị không chứng minh được đây là tài sản riêng thì chiếc xe vẫn được xác định là tài sản chung.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Cv. Tú Hiền – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo